Bất cứ ai làm nghề sáng tạo đều nên có một Portfolio. Vậy Portfolio là gì? Vì sao lại cần thiết? Hãy cùng Master Media tìm hiểu trong bài viết sau nhé.
Portfolio là gì?
Hiểu đơn giản, portfolio là một bản tập hợp các dự án, sản phẩm sáng tạo mà bạn từng thực hiện. Ví dụ bạn từng thiết kế logo cho thương hiệu X, làm typography cho brand Y, hay phụ UI/UX design cho nhãn hàng Z… Bạn sẽ cần tổng hợp và trình bày những sản phẩm đó lên bản portfolio một cách hợp lý.
Vì sao nên có Portfolio?
Hãy tưởng tượng bạn là một thiết kế đồ họa đang tìm việc làm. Bạn muốn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng để có được vị trí mình mong muốn. Vậy bạn cần chuẩn bị những gì?
Đối với nghề sáng tạo, năng lực sáng tạo ra các sản phẩm theo yêu cầu luôn là tiêu chí quan trọng. Vì vậy bên cạnh CV, một tài liệu tổng hợp các sản phẩm bạn từng thực hiện sẽ giúp bạn thể hiện điều đó. Đó chính là tác dụng của portfolio. Một bản portfolio được trình bày thông minh, ấn tượng sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt tuyển dụng.
Portfolio khác gì CV?
- Portfolio: tập trung trình bày các sản phẩm, dự án sáng tạo.
- CV (Curriculum Vitae): cung cấp thông tin về thông tin liên lạc, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng khác.
Portfolio và CV đều là hai công cụ cần thiết giúp bạn cung cấp thông tin và thể hiện năng lực. Nếu bạn chuẩn bị tốt “bộ đôi” trên, bạn sẽ tự tin hơn khi đi phỏng vấn. Đồng thời bạn cũng có thể thu hút các nguồn job freelance nếu biết cách truyền thông trên mạng xã hội.
Xem thêm: Những điều cần biết dành cho designer mới vào nghề
Nên cung cấp những thông tin gì?
Bên cạnh những hình ảnh về các sản phẩm, portfolio cũng nên có những thông tin cần thiết khác:
- Thông tin liên lạc: Bạn nên đính kèm thông tin liên lạc ngắn gọn của mình trên portfolio. Qua đó nhà tuyển dụng hoặc các thương hiệu có thể dễ dàng liên hệ đến bạn nếu có nhu cầu hợp tác. Các thông tin bao gồm: Họ tên, email, số điện thoại. Nếu bạn có một tài khoản mạng xã hội (facebook, linkedin, instagram…), bạn cũng nên cung cấp.
- Mô tả về sản phẩm: Một bản mô tả ngắn gọn sẽ giúp nhà tuyển dụng hoặc các đối tác hiểu rõ hơn về sản phẩm của bạn. Bạn có thể chia sẻ về tên sản phẩm, thời gian thực hiện, vai trò của bạn trong dự án, giải thưởng/thành tích…
- CV/Resume: Bạn có thể chuẩn bị 1 bản portfolio và 1 bản CV/Resume. Tuy nhiên bạn cũng hoàn toàn có thể ghép hai bản này là một tập tin hoặc tập tài liệu. Chú ý trình bày tách biệt hai bản, để CV/Resume ngắn gọn để tránh rối mắt.
Xem thêm: Designer có cần xây dựng thương hiệu cá nhân?
Bí kíp để Portfolio trở nên ấn tượng hơn
Chọn lọc những sản phẩm đẹp nhất:
Hãy ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Trình bày quá nhiều sản phẩm có thể khiến portfolio bị rối mắt và thừa thãi. Bạn nên chọn những sản phẩm mà bạn ưng ý nhất, nổi tiếng nhất hoặc từng được đánh giá cao nhất.
Đa dạng hóa hình thức portfolio:
Hiện tại không hề có giới hạn về các hình thức của portfolio. Bạn có thể trình bày dưới dạng bản cứng hoặc bản mềm:
- Bản cứng: tập tài liệu, tạp chí…
- Bản mềm: slide thuyết trình, tài khoản mạng xã hội (behance, instagram…), website, file pdf, powerpoint…
Hãy chuẩn bị cả hai hình thức nói trên để dễ dàng cung cấp cho nhà tuyển dụng/đối tác khi họ có yêu cầu.
Thường xuyên cập nhật portfolio:
Nhiều người chỉ cập nhật portfolio khi có nhu cầu chuyển việc. Tuy nhiên portfolio có thể là công cụ tiếp cận những đối tác, thương hiệu cần tuyển freelancer hoặc các headhunter. Vì vậy bạn nên cập nhật các thông tin và sản phẩm ấn tượng mới. Qua đó bạn có thể chứng minh những thay đổi và phát triển của mình và thu hút nhiều đối tác hơn.
Xem thêm: Những cách kiếm thêm thu nhập từ kỹ năng thiết kế