Bạn có biết về Emotional Design – Thiết kế cảm xúc?
Làm Thiết kế thường khó tránh tình trạng bí ý tưởng. Tìm hiểu thêm về những phương pháp Thiết kế khác nhau có thể giúp bạn giải quyết tình trạng này. Hôm nay chúng ta hãy cùng Master Media tìm hiểu một loại hình Thiết kế không còn mới, nhưng vẫn duy trì tính độc đáo. Đó chính là Emotional Design, hay Thiết kế cảm xúc.
Thiết kế cảm xúc là gì?
Đúng như tên gọi, Thiết kế cảm xúc là một phương pháp thiết kế tác động vào yếu tố cảm xúc của đối tượng khách hàng được hướng đến. Cụ thể, các sản phẩm Thiết kế cảm xúc sẽ được sáng tạo theo hướng khơi gợi cảm xúc từ khách hàng, thông thường là các cảm xúc tích cực. Dựa trên những cảm xúc này, thông qua sản phẩm thiết kế, thương hiệu dần xây dựng kết nối với khách hàng, khuyến khích họ lựa chọn và gắn bó với sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.
Nhà thiết kế có thể áp dụng Thiết kế cảm xúc cho bất cứ sản phẩm nào. Từ poster, banner, cho đến UI/UX Design… Trên thực tế, phương pháp này thường được áp dụng theo chiến dịch, áp dụng cho toàn bộ sản phẩm thiết kế thuộc chiến dịch đó. Ví dụ chiến dịch dịp Tết Nguyên Đán áp dụng Thiết kế cảm xúc theo hướng cảm xúc nhớ nhà, đoàn tụ. Họ sẽ triển khai một loạt thiết kế banner trên Website, biển hiệu, tạo linh vật cảm xúc mang hình ảnh gia đình đoàn tụ để thể hiện sự đồng cảm với nỗi nhớ nhà của người tiêu dùng. Sự đồng cảm này có thể khiến người tiêu dùng dành thiện cảm cho thương hiệu, từ đó lựa chọn sử dụng các sản phẩm của thương hiệu này trong mùa mua sắm dịp Tết.
Những Cấp độ của Thiết kế cảm xúc
Cấp độ Visceral
Cấp độ Visceral sẽ tập trung tạo ra những Cảm xúc tức thì, nhanh chóng xuất hiện và tác động vào tâm lý người xem khiến họ quan tâm về thương hiệu. Ví dụ như khi bạn xem một video quảng cáo thời trang. Âm nhạc sôi động, hình ảnh bắt mắt từ người mẫu và những hiệu ứng độc đáo khiến bạn bị thu hút và phấn khích. Qua đó bạn nảy sinh mong muốn có được dáng vẻ, thần thái của những người mẫu trong hình, và bạn quan tâm hơn về sản phẩm.
Cấp độ Behavioral
Cấp độ này tập trung vào những thói quen, trải nghiệm, hành vi thường thấy hàng ngày của người tiêu dùng. Các sản phẩm thiết kế sẽ tập trung vào khía cạnh khơi gợi sự đồng cảm với người dùng về những thói quen, trải nghiệm thường gặp. Từ đó đưa ra gợi ý về sản phẩm, giống như một người đồng hành, hỗ trợ giúp họ có những trải nghiệm mới mẻ và vui vẻ hơn.
Cấp độ Reflective
Cấp độ Reflective tác động vào trạng thái cảm xúc sâu thẳm và phức tạp hơn từ phía người dùng. Những Thiết kế theo cấp độ này sẽ tập trung vào cảm nhận cá nhân về một sản phẩm, trải nghiệm, hay rộng lớn hơn là một nét văn hóa. Người dùng cảm thấy sao, nhìn nhận như thế nào về những đối tượng trên? Không phải lúc nào họ cũng tìm được đồng cảm về những cảm xúc riêng tư đó. Những nhà Thiết kế tinh tế có thể nhìn ra nét cảm xúc này và mang đến sự đồng cảm với người dùng qua các sản phẩm thiết kế.
Những lưu ý giúp bạn sáng tạo Thiết kế cảm xúc
Thiết kế Cảm xúc là loại hình sáng tạo yêu cầu sự tinh tế và khéo léo về mặt cảm xúc. Để có được một Thiết kế thành công, bạn nên chú ý đến những nội dung sau:
Muốn có thiết kế cảm xúc, trước tiên bạn nên là người quan tâm đến cảm xúc
Sẽ thật khó để sáng tạo một sản phẩm khơi gợi sự đồng cảm, nếu như bạn không hề mảy may quan tâm đến yếu tố cảm xúc. Bạn không nhận ra cảm xúc của người xung quanh, thậm chí của chính mình. Bạn bối rối trước những tình huống liên quan đến cảm xúc, thậm chí thờ ơ với cảm xúc người khác.
Thực tế thì điều này hoàn toàn có thể khắc phục. Hãy chịu khó để ý hơn với cảm xúc bản thân và người xung quanh để nhận diện chúng. Nói chuyện nhiều với những người tâm lý nhất mà bạn biết để nhận tư vấn từ phía họ. Thậm chí đọc sách, xem phim nếu bạn thấy cần thiết. Những hành động nhỏ này không chỉ có ích cho Thiết kế cảm xúc, mà còn giúp bạn tăng sự nhạy cảm – một tố chất rất cần thiết với người làm về Nghệ thuật thị giác.
Những phương pháp cơ bản để tạo Thiết kế cảm xúc
Một số phương pháp thường được áp dụng để tạo Thiết kế cảm xúc bao gồm:
Tạo Linh vật thương hiệu
Linh vật thương hiệu là một nhân vật, động vật, hoặc đồ vật được nhân hóa giống như con người. Các linh vật được mô phỏng với tạo hình sinh động, có biểu cảm và đôi khi hành động như con người. Nhà thiết kế có thể truyền tải cảm xúc cần hướng đến qua linh vật. Những linh vật này có thể cười, khóc, nhăn mặt… thậm chí nói ra những cảm xúc đặc biệt để hướng đến người xem.
Kể chuyện trong Thiết kế
Phương pháp Kể chuyện, hay Storytelling đã được áp dụng trong khá nhiều chiến dịch thiết kế lớn nhỏ khác nhau. Cụ thể nhà thiết kế sẽ sáng tạo các sản phẩm dựa trên một câu chuyện có nhân vật, nội dung. Câu chuyện đủ hay sẽ thu hút người tiêu dùng, tác động vào cảm xúc tích cực từ họ và giúp họ có cảm tình với thương hiệu. Ví dụ như Chiến dịch The Tale of Cuội của thương hiệu The Coffee House trong 2 mùa Trung thu 2018 và 2020. Câu chuyện về chuyến phiêu lưu của chú Cuội cùng những người bạn đã mang đến trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm The Coffee House.
Tặng Quà cho khách
Tặng Quà cũng là một phương pháp hay để xây dựng thiện cảm từ khách hàng. Bạn có thể tạo ra các món quà với nhiều hình thức, từ voucher đến sticker in hình thương hiệu được thiết kế ngộ nghĩnh… Những món quà nhỏ và đẹp mắt dễ khiến khách hàng chú ý và cảm thấy thỏa mãn với trải nghiệm tiêu dùng.
Xem thêm: Học thiết kế đồ họa
Tạm kết
Trên đây là những thông tin cần biết về Emotional Design hay Thiết kế cảm xúc. Phương pháp thiết kế này vẫn được rất nhiều thương hiệu và nhà thiết kế sử dụng. Hiểu rõ và biết cách áp dụng phương pháp này sẽ giúp ích cho nhà thiết kế. Hy vọng bài viết trên đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!