Tăng thêm cơ hội việc làm thiết kế với nghề Product Design
Ngành thiết kế rộng lớn bao gồm rất nhiều lĩnh vực nhỏ khác nhau. Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Thiết kế đồ họa, Thiết kế 3D, còn một lĩnh vực khác cũng mang đến nhiều cơ hội việc làm, nguồn thu nhập tốt cho dân Design. Đó chính là Thiết kế sản phẩm, hay Product Design.
Product Design là gì?
Đúng như tên gọi, ngành Product Design là ngành Thiết kế (Design) những Sản phẩm (Product) theo yêu cầu của một đối tượng cụ thể. Đối tượng này thường là chủ của doanh nghiệp, tổ chức, thương hiệu nhất định. Những Sản phẩm cần được thiết kế không giới hạn ở các hàng hóa vật lý, có thể nhìn hay sờ nắm tận tay. Đó còn là các sản phẩm kỹ thuật số, hay dịch vụ dưới dạng quy trình. Nói chung những sản phẩm này sẽ cần qua bàn tay tạo hình, nghiên cứu của các Designer để được thành hình và có giá trị tốt, tối ưu nhất, phục vụ triệt để một nhu cầu cụ thể của các khách hàng tiềm năng.
Từ định nghĩa trên, dễ nhận thấy sản phẩm của Product Design vô cùng sản phẩm. Từ một chiếc ô tô mới, một ứng dụng mới cài đặt trên máy tính, hay thậm chí một quy trình chăm sóc khách hàng. Tất cả đều thuộc về Product Design và cần qua bàn tay nhào nặn của các Product Designer.
Làm Product Design là làm gì?
Nhìn chung, làm về Thiết kế sản phẩm sẽ phụ trách toàn bộ công đoạn từ giai đoạn “thai nghén” cho đến khi “đứa con” – hay chính là sản phẩm ra đời. Thậm chí người làm nghề còn phải theo dõi sát sao “đứa con” ấy, liên tục hoàn thiện cho tới lúc chúng thực sự hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Có thể phân chia các công việc theo từng giai đoạn như sau:
#1 Xác định mục đích ra đời của sản phẩm
Những công việc đầu tiên mà người Thiết kế sản phẩm cần đảm nhiệm là xác định mục đích ra đời của sản phẩm họ được yêu cầu phải sáng tạo. Nói cách khác, họ cần phải tìm ra đáp án cho câu hỏi: Sản phẩm này ra đời để làm gì?
Câu trả lời thường không đơn giản ở tính năng sản phẩm, ví dụ như tôi cần sáng tạo ra mẫu xe mới này để nó chở người. Các đáp án sẽ liên quan đến chiến lược kinh doanh của thương hiệu. Cụ thể như mẫu xe này cần sáng tạo để mở rộng tập khách hàng cho thương hiệu, từ đó tăng doanh thu trong năm của toàn thương hiệu.
Làm nghề Thiết kế sản phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của một tổ chức lớn. Bởi vậy ngay từ bước đầu tiên, các nhà thiết kế cần có mắt nhìn chiến lược để đưa ra những mục tiêu thiết kế sản phẩm phù hợp nhất.
#2 Xác định giá trị sản phẩm
Bước tiếp theo trong quy trình là các công đoạn nghiên cứu để xác định giá trị cốt lõi của sản phẩm cần được thiết kế. Hiểu đơn giản là bạn cần tìm ra những đặc điểm khiến sản phẩm trở nên đặc biệt. Bạn cần thiết kế một dòng xe ô tô mới cho công ty. Vậy mẫu xe mà bạn định làm sẽ có điều gì khác biệt với những dòng xe khác của đối thủ cạnh tranh, hay với chính những dòng xe sẵn có của công ty. Nó sẽ có tốc độ cao hơn, hay mẫu mã đẹp hơn, hay sang xịn mịn ở mức chỉ người cực giàu mới có thể mua được? Đây là giai đoạn đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu từ phía nhà thiết kế sản phẩm, cũng như phía thương hiệu.
#3 Xác định tập khách hàng mục tiêu
Một khi đã biết sản phẩm sẽ ra đời vì mục đích gì, sẽ có đặc điểm gì, bạn cần tìm hiểu về đối tượng khách hàng phù hợp nhất với dòng sản phẩm đó. Công đoạn này thường yêu cầu khá nhiều nghiên cứu, đọc dữ liệu về hành vi tiêu dùng của những tập khách hàng khác nhau. Sau bước này Designer mới có đủ thông tin để tiến đến công đoạn sáng tạo thực thụ: Lên ý tưởng thiết kế.
#4 Phác thảo ý tưởng thiết kế
Các công đoạn từ 1 – 3 là bước nghiên cứu giúp Product Designer có đủ kiến thức, thông tin cần thiết cho phần việc lên ý tưởng. Ở công đoạn 4, họ bắt đầu kiến tạo những ý tưởng thiết kế về sản phẩm. Không giống với Thiết kế đồ họa hay Thiết kế 3D, công việc Thiết kế sản phẩm không phải lúc nào cũng ưu tiên tính thẩm mỹ lên hàng đầu. Tùy theo mục đích, giá trị và tập khách hàng đã xác định ở 3 công đoạn trước, những ý tưởng thiết kế sẽ có những ưu tiên khác biệt về tính năng, giá thành, mức độ tiện dụng, mức độ thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Ở công đoạn 4, các Designer cũng sử dụng những phần mềm thiết kế chuyên dụng để phác thảo ý tưởng. Tùy vào loại sản phẩm, họ sẽ sử dụng những phần mềm nhất định. Tuy nhiên khá nhiều Product Designer cũng sử dụng những phần mềm quen thuộc với giới thiết kế như Adobe Illustrator, các phần mềm 3D như 3DsMax, Maya…
#5 Triển khai ý tưởng thiết kế
Có thể nói đây là bước quy trình tốn rất nhiều công sức và thời gian của các nhà Thiết kế sản phẩm. Một khi ý tưởng của họ được phê duyệt triển khai, họ sẽ cần đồng hành với tất cả bộ phận tham gia sản xuất, có mặt ở từng bước quy trình. Qua đó họ mới có thể tư vấn, đánh giá, đồng thời kiểm soát được việc triển khai ý tưởng.
Cũng trong bước này, các sản phẩm cần trải qua nhiều công đoạn chạy thử, kiểm nghiệm. Qua đó Designer tiếp tục sửa đổi các bản thiết kế và lại tham gia quy trình sản xuất cho đến khi có mẫu sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.
#6 Đánh giá hiệu quả thiết kế
Công đoạn cuối cùng chính là giai đoạn theo dõi và “nuôi dạy” con khôn lớn. Nói cách khác là theo dõi, lắng nghe phản hồi từ phía người tiêu dùng, chính là các khách hàng của công ty. Từ đó Designer tiếp tục đưa ra những cải tiến về ý tưởng để ngày một hoàn thiện sản phẩm hơn.
Yêu cầu để trở thành một Product Designer?
Đến đây chắc nhiều bạn đã hình dung được mức độ “khó nhằn” của công việc Product Designer. Đúng vậy, để trở thành một nhà Thiết kế sản phẩm chuyên nghiệp bạn cần học hỏi rất nhiều kiến thức và rèn luyện các kỹ năng khác nhau. Kiến thức và tư duy về thẩm mỹ là chưa đủ. Bạn cần có đầu óc nhạy bén của một nhà kinh doanh để thực hiện công đoạn tìm hiểu chiến lược, giá trị và khách hàng mục tiêu của sản phẩm. Bạn cần am hiểu về hành vi, tâm lý người tiêu dùng để biết được nên tạo ra những sản phẩm họ cần.
Bên cạnh đó bạn cũng phải biết về đọc số liệu, báo cáo để tìm ra những thông tin cần thiết ở mặt vĩ mô. Chưa hết, bạn cần có kỹ năng lãnh đạo để kiểm soát và quản lý được mọi quy trình thiết kế. Đảm bảo các bộ phận sản xuất làm đúng với thiết kế mà bạn đã đưa ra.
Product Designer không hề là một công việc dễ dàng. Vị trí này đòi hỏi kiến thức, kỹ năng đa dạng, và trên hết là sự kiên nhẫn để theo đuổi một quy trình phức tạp, cần nhiều thời gian. Không dễ để một công ty cho ra một sản phẩm mới. Những quy trình sản xuất sản phẩm thường mất rất nhiều thời gian, yêu cầu sự nhẫn nại từ phía Product Designer.
Mức lương của Product Designer
Là một công việc khó chinh phục, nhưng bù lại nghề Thiết kế sản phẩm có thể mang tới nguồn thu nhập không hề nhỏ. Theo thống kê từ trang việc làm nổi tiếng Vietnamworks, Các Product Designer mới ra trường có thể đạt thu nhập trung bình là 734 USD/tháng (khoảng 18,675,00 đồng/tháng). Những người có một vài năm kinh nghiệm nhận mức lương trung bình là 1200 USD/tháng (~30,532,000 đồng/tháng). Các quản lý ở cấp độ trưởng phòng đạt mức thu nhập trung bình 1607 USD/tháng (~41,000,000 đồng/tháng).
Một số vị trí Thiết kế sản phẩm đặc biệt với mức độ khó cao thậm chí có thể đạt mức thu nhập trong khoảng 2000 – 3000 USD/tháng. Điển hình như vị trí Thiết kế UI/UX trong hình dưới đây, thu nhập lên tới 2500 USD cho người có 3 năm kinh nghiệm.
Tạm kết
Product Designer là vị trí khá thử thách với người làm thiết kế. Tuy nhiên bù lại bạn sẽ nhận được nhiều giá trị xứng đáng, không chỉ về mức thu nhập mà còn là khối kiến thức, kỹ năng khổng lồ mà vị trí này mang lại. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về vị trí thú vị này!