Những công việc phù hợp cho người yêu Game và thích Vẽ
Bạn yêu thích Game, và cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến Hội họa? Bạn nghĩ sao về một cơ hội làm việc với hai sở thích trên, đi kèm một mức lương không hề tệ? Nghe thật tuyệt đúng không nào! Trên thực tế thì điều đó không hề xa vời. Bạn hoàn toàn có thể tìm được một công việc như vậy trong bộ phận Visual, hay sáng tạo hình ảnh thuộc ngành làm Game. Đó là những vị trí gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay với Master Media nhé!
Bộ phận sáng tạo hình ảnh trong Game
Các dự án làm Game thường bao gồm một đội nhóm phụ trách sáng tạo hình ảnh. Tất cả những hình ảnh bạn thấy trên Game, từ nhân vật, đạo cụ, bối cảnh xung quanh đều do nhóm này lên ý tưởng và trực tiếp xây dựng. Quy trình sáng tạo bao gồm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn sẽ do một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ thực hiện. Vì phụ trách khâu hình ảnh, quyết định mức độ đẹp/xấu của Game nên thành viên nhóm này cần có gu thẩm mỹ, tư duy hình ảnh tốt. Không phải vị trí nào trong nhóm cũng yêu cầu kỹ năng vẽ, tuy nhiên người biết vẽ tay vẫn có thể tận dụng sở trường này để quan sát, vẽ phác thảo, xây dựng tạo hình thẩm mỹ. Nói chung, các bạn thích vẽ vẫn có thể thỏa mãn niềm yêu thích với cái đẹp qua quá trình sáng tạo này.
Những công việc sáng tạo hình ảnh Game
Họa sĩ tạo hình (Concept Artist)
Vị trí Họa sĩ tạo hình sẽ phù hợp cho những bạn chú trọng kỹ năng vẽ tay, muốn làm công việc ngành Game cho phép tận dụng kỹ năng này. Đúng như tên gọi, Họa sĩ tạo hình phụ trách lên ý tưởng và trực tiếp phác thảo, mô phỏng hình ảnh của nhân vật, đạo cụ, bối cảnh Game dựa theo mô tả từ Game Designer hoặc chủ dự án. Thực tế những người sáng tạo ý tưởng chính của Game thường chưa có hình dung rõ ràng về các yếu tố nhân vật, đạo cụ, bối cảnh. Họ sẽ cần một hoặc nhiều người giúp mình vẽ ra những yếu tố đó ra thành hình ảnh cụ thể. Những người này cần có kỹ năng lắng nghe, trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh và kỹ năng vẽ tốt. Đó chính là các Họa sĩ tạo hình.
Dựng hình 3D (3D Modeller)
Chuyên viên Dựng hình 3D là những người thực hiện phần công việc tiếp theo của Họa sĩ tạo hình. Với các Game 3D, những bản vẽ từ Họa sĩ tạo hình sau khi được hoàn thiện và chấp thuận từ quản lý sẽ chuyển lại cho Chuyên viên dựng hình. Họ sẽ mô phỏng lại các hình ảnh này trên phần mềm 3D chuyên nghiệp (thường là 3DsMax, Maya) qua các nghiệp vụ kỹ thuật. Phần công việc này tuy không yêu cầu kỹ năng vẽ tay nhưng cần có mắt nhìn thẩm mỹ, trí tưởng tượng, và nhạy bén với công nghệ để tạo ra mô hình đúng như bản vẽ của các họa sĩ.
Họa sĩ kết cấu (Texture Artist)
Công việc của các Họa sĩ kết cấu sẽ tiếp nối phần công đoạn của Chuyên viên Dựng hình 3D. Những mô hình 3D sau tạo dựng mới là bản mô phỏng ban đầu. Chúng sẽ cần thêm thắt rất nhiều chi tiết để trở nên sinh động và tự nhiên nhất. Ví dụ như độ mịn hay căng bóng của da, chất liệu tóc, hay bề mặt quần áo của nhân vật Game. Công đoạn thêm thắt chi tiết này cũng đòi hỏi rất nhiều công sức và tay nghề tốt. Đó chính là phần việc của các Họa sĩ kết cấu.
Giống như Chuyên viên Dựng hình, các Họa sĩ kết cấu sẽ làm việc chủ yếu qua phần mềm thiết kế. Vị trí này không yêu cầu kỹ năng vẽ tay nhưng bắt buộc có gu thẩm mỹ, mắt nhìn tinh tế và tính nhạy bén với công nghệ.
Họa sĩ bối cảnh (Environment Artist)
Trong Game, ngoài nhân vật còn có các yếu tố hình ảnh về bối cảnh xung quanh. Ví dụ như khi hai nhân vật giao chiến giữa một đấu trường, hoặc bối cảnh một cuộc trò chuyện trên một phi thuyền vũ trụ ngoài không gian… Đấu trường giao chiến, hay phi thuyền ngoài không gian bao la chính là các bối cảnh. Những bối cảnh này cũng cần có những công đoạn sáng tạo công phu, cẩn thận và chi tiết mới có thể xuất hiện ấn tượng trong Game. Các Họa sĩ bối cảnh sẽ đảm nhận phần việc quan trọng này. Họ có thể tận dụng kỹ năng vẽ tay để phác thảo, từ đó tạo hình trên phần mềm máy tính.
Họa sĩ ánh sáng (Lighting Artist)
Ánh sáng trong Game cũng là một yếu tố rất quan trọng về hình ảnh. Ánh sáng không tốt dễ khiến hình ảnh Game bị ảnh hưởng, mất tính thẩm mỹ, không đúng như ý đồ ban đầu của Game. Với những dự án lớn, sẽ có một Họa sĩ chuyên phụ trách khâu làm ánh sáng cho Game. Vị trí này cũng làm việc chủ yếu với phần mềm, nhưng cần có mắt thẩm mỹ tốt, nhạy bén với màu sắc và ánh sáng trong khung hình, tư duy hình ảnh tốt.
Xem thêm: Khóa học thiết kế game 3D
Tạm kết
Như bạn đã thấy, có khá nhiều vị trí trong ngành Game cho phép bạn tận dụng sở trường về mỹ thuật. Thực tế ngành Game cũng rất cởi mở với các bạn trẻ yêu nghề. Vậy nếu bạn yêu Game và thích vẽ, còn chờ gì mà không bắt đầu, tự mở đường tìm cho mình một cơ hội? Hy vọng bài viết trên của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!