Mặt trái của Graffiti: nghệ thuật hay là phá hoại?
Tranh vẽ Graffiti đã không còn xa lạ với nhiều người. Kể từ khi xuất hiện, Graffiti luôn khiến nhiều người tò mò về cách thức độc đáo và có phần gây tranh cãi của loại hình tranh vẽ này. Vì sao lại gây tranh cãi? Vì thực tế Graffiti sở hữu mặt trái, có thể tác động tiêu cực phần nào đến những người liên quan. Hãy cùng Master Media tìm hiểu thêm về khía cạnh này của Graffiti trong bài viết dưới đây nhé!
Sự ra đời của Graffiti
Giống như nhiều loại hình tranh vẽ khác, Graffiti không có ghi chép chính xác về thời điểm ra đời. Xuất phát sơ khai của tranh Graffiti được cho là có từ thời xa xưa, đến từ chính những nét vẽ nguệch ngoạc của con người từ thời tiền sử. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, những hành động “vẽ tùy hứng” đầy bản năng này vẫn được chúng ta duy trì. Điển hình như vào những năm 1940, tranh vẽ đường phố đã xuất hiện theo phong trào “Kilroy đã ở đây”. Giữa thời kỳ chiến tranh, nhiều binh lính đã viết dòng chữ trên tại nhiều địa điểm khác nhau để thể hiện tinh thần đoàn kết, vượt khó nơi chiến trường.
Đến thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, tranh vẽ đường phố thực sự bùng nổ tại thành phố New York, Mỹ và cái tên Graffiti dần được ra đời. Khắp các bức tường công cộng New York xuất hiện nhiều tranh được phun vẽ trực tiếp bằng bình sơn. Những bức tranh có nhiều hình ảnh và chi tiết có phần thô mịch không theo đường lối, nhưng rất phóng khoáng, mạnh mẽ, và rực rỡ sắc màu. Nhiều bức tranh mô phỏng 1 từ khóa hoặc 1 câu chữ ngắn gọn thể hiện tiếng nói bản thân.
Được biết, thập niên 60 – 70 đánh dấu giai đoạn đầy phức tạp ở Mỹ với nhiều tệ nạn về phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử với người da màu, tỉ lệ tội phạm tăng vọt. Những bức tranh được vẽ vụng trộm tại khu vực công cộng giống như một hình thức nổi loạn, chống đối xã hội nhưng vẫn đảm bảo danh tính cho người thực hiện. Tranh Graffiti còn giúp từng cá nhân thể hiện khao khát được cất lên tiếng nói về thời cuộc, về cảm xúc cá nhân. Graffiti còn nổi tiếng vì sự gắn bó với cộng đồng hip-hop tại Mỹ. Những bạn trẻ yêu thích hip-hop không khỏi chú ý đến những bức tranh Graffiti đầy mạnh mẽ.
Mặt trái của Graffiti
Mặc dù sở hữu những giá trị nghệ thuật riêng, nhưng Graffiti cũng mang đến không ít phiền toái cho những người chịu liên quan. Điểm đặc trưng của Graffiti là tranh được vẽ tại bất cứ địa điểm nào thuộc về nơi công cộng. Những địa điểm này thậm chí có thể là những công trình biểu tượng, những địa điểm nổi tiếng nơi công cộng, thậm chí nhà dân. Những bức tranh dù đẹp đến đâu nhưng không thể duy trì ở những địa điểm như vậy, đặc biệt là những nơi có quy định riêng phù hợp với văn hóa, văn minh của khu vực mà tranh xuất hiện. Hãy hình dung ngôi nhà với bức tường xinh đẹp của bạn, sau một đêm đã được bao phủ bởi một tranh vẽ Graffiti khổng lồ. Nếu hên thì bức tranh đó đủ đẹp để khiến tường nhà bạn trở nên ấn tượng. Nhưng nếu xui, đó là một bức tranh nguệch ngoạc, thậm chí vẽ những dòng chữ phản cảm trên tường?
Đây chính là mặt trái của Graffti, người vẽ có thể vẽ bất cứ đâu, bất cứ điều gì họ muốn, và vẽ bất cứ lúc nào chúng ta không hay. Sự tự do và nổi loạn này có thể dẫn đến sự phiền toái, thậm chí phá hoại một công trình công cộng, nhà ở của một người. Theo thống kê năm 2000, Mỹ đã phải chi đến 1,6 tỉ USD chỉ để khắc phục thiệt hại từ tranh Graffiti. Quay trở lại với ví dụ bức tường nhà bạn, nếu gặp một bức tranh không đẹp mắt, bạn nghĩ mình sẽ mất bao nhiêu tiền để xóa, đi cùng với nỗi bực tức khó chịu với người vẽ tranh, kẻ phá hoại kia?
Vì sao Graffiti còn tồn tại đến ngày nay?
Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao Graffiti gây tranh cãi nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay? Câu trả lời đến từ những giá trị tốt đẹp mà những nghệ sĩ vẽ tranh đã hướng đến. Khi nghệ sĩ vẽ tranh vì mục đích tốt, đúng nơi, đúng lúc, Graffiti sẽ thực sự tỏa sáng và được trân trọng. Trong những năm Covid, tác phẩm Graffiti “Game Changer” của nghệ sĩ Banksy đã xuất hiện tại bệnh viện Southampton (Anh) như một sự tri ân với với những bác sĩ, y tá và nhân viên y tế chiến đấu hết mình với đại dịch. Với mục đích tốt đẹp, Graffiti xứng đáng được duy trì và phát triển.
Không dừng lại ở đó, tranh vẽ Graffiti có thể tạo bước đà và cơ hội phát triển cho những nghệ sĩ đường phố vô danh theo đuổi nghệ thuật. Những nghệ sĩ chân chính như TAKI 183 và CORNBREAD đều đã đi lên từ nghệ thuật Graffiti đường phố.
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa
Lời kết
Bản chất của nghệ thuật Graffiti không hề xấu. Những mặt trái sẽ xuất hiện từ mục đích của người thực hiện. Vậy nếu theo đuổi loại hình tranh vẽ độc đáo này, mỗi nghệ sĩ nên xác định mình sẽ giúp thay đổi góc nhìn người ngoài về Graffiti hay có thể khiến nghệ thuật này gây tranh cãi nhiều hơn. Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào mục đích sáng tạo của bạn.