Phân biệt Bump, Normal và Displacement Map trong thiết kế 3D
Bump Map, Normal Map và Displacement Map là 3 kỹ thuật tạo kết cấu phổ biến trong thiết kế 3D. Bất cứ ai học và làm về 3D đều làm việc thường xuyên với 3 kỹ thuật này. Từng loại kỹ thuật này đều khác nhau về cách thức và kết quả thành phẩm tạo ra. Hiểu rõ và biết cách phân biệt từng kỹ thuật sẽ giúp bạn vận dụng hiệu quả cho từng loại sản phẩm, từng tình huống khác nhau.
Bump Map, Normal Map, Displacement Map là gì?
Trước tiên ta hãy cùng tìm hiểu ba khái niệm này nghĩa là gì. Trong thiết kế 3D chuyên nghiệp, sẽ có những công đoạn cần tạo hình các chi tiết trên bề mặt của một vật thể 3D cụ thể. Ví dụ như áo của một nhân vật đang mặc. Chiếc áo này được làm từ vải dạ với các họa tiết kẻ, bề mặt sẽ hơi xù đúng nét đặc trưng của chất vải dạ. Nếu chiếc áo đó cũ thì có thể còn một vài vết sần trên bề mặt áo nữa. Để tạo hình được đến mức độ chi tiết như vậy, các chuyên viên 3D sẽ cần sử dụng kỹ thuật để xử lý kết cấu vật liệu trên bề mặt vật thể 3D. Bump Map, Normal Map, Displacement Map chính là những kỹ thuật như vậy, và được sử dụng trong các tình huống như trên.
Ứng dụng của các kỹ thuật Map
Những kỹ thuật Map – xử lý kết cấu vật liệu được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Hầu như bất cứ công việc nào cần đến ứng dụng 3D sẽ sử dụng ít nhiều kỹ thuật này. Kỹ thuật Map đặc biệt có ích trong thiết kế nội thất, kiến trúc qua để mô phỏng vật liệu các sản phẩm nội thất và xây dựng. Điều này không có nghĩa là những kỹ thuật trên không phổ biến trong những lĩnh vực sáng tạo như phim hoạt hình, Game, điện ảnh. Rất nhiều dự án giải trí với yêu cầu cao về tính thẩm mỹ trong từng chi tiết sẽ cần các nhân sự am hiểu và thành thạo về những kỹ thuật này. Từ đó mở ra không ít cơ hội cho các 3D Artist, Texturing Artist mong muốn thử sức và gia nhập.
Có thể sử dụng Bump Map, Normal Map, Displacement Map ở đâu?
Hầu hết các phần mềm 3D đều hỗ trợ các tính năng Map như trên. Những cái tên tiêu biểu gồm: Blender, 3DsMax, Maya, Vray, Lumion. Ngoài ra bạn cũng có thể xử lý các thao tác Map đơn giản qua Adobe Photoshop. Tùy vào sở thích và điều kiện của bản thân, bạn có thể thực hành trên một hoặc nhiều phần mềm bất kỳ.
Cách phân biệt Bump Map, Normal Map, Displacement Map
Với những ai chưa từng tiếp xúc hoặc chưa tìm hiểu sâu về 3D, sẽ rất khó để các bạn nhanh chóng phân biệt được 3 kỹ thuật trên. Trong phạm vi bài viết hôm nay chúng ta sẽ tìm cách phân biệt dựa trên những đặc điểm cơ bản nhất của từng kỹ thuật.
Bump Map
Đây là dạng kỹ thuật lâu đời và cơ bản nhất trong hệ thống kỹ thuật xử lý vật liệu. Nhìn chung Bump Map tạo ra hình ảnh các chi tiết trên bề mặt vật thể 3D bằng cách tạo ra ảo giác qua điều chỉnh bộ ánh sáng grayscale (đen-trắng-xám). Cụ thể hơn, Bump Map sẽ lấy chi tiết vật liệu từ một ảnh có sẵn, sau đó điều chỉnh các điểm ánh sáng theo dạng grayscale để tạo ra các hiệu ứng họa tiết bao phủ vật thể 3D. Nói cách khác thì Bump Map chỉ đơn giản là tô vẽ thêm cho vật thể 3D đó chứ không tác động trực tiếp lên vật thể này, không làm thay đổi hình dáng của vật thể.
Normal Map
Normal Map hoạt động với nguyên lý gần giống như Bump Map, nhưng có độ chi tiết và đa dạng hơn về xử lý ánh sáng. Kỹ thuật này cũng lấy họa tiết từ một hình có sẵn, sau đó mô phỏng các họa tiết và dạng vật liệu từ hình đó lên bề mặt vật thể 3D. Tuy nhiên những hình ảnh của Normal Map sẽ đa sắc màu và có độ sâu hơn so với Bump Map. Những hình ảnh mô phỏng họa tiết mẫu dùng cho Normal Map cần là những hình ảnh dạng 3D.
Displacement Map
Displacement Map là kỹ thuật tiên tiến và phức tạp nhất trong khâu xử lý vật liệu. Khác với Bump Map và Normal Map, Displacement Map sẽ tác động trực tiếp lên bề mặt vật thể 3D để tạo nên những chi tiết, dạng họa tiết cần thiết. Chính vì vậy mà quy trình Displacement Map sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình dạng của vật thể, sẽ phức tạp và tốn thời gian hơn rất nhiều so với 2 kỹ thuật trên. Tuy nhiên bù lại thì hình ảnh của Displacement Map lại chi tiết, sống động và chân thực hơn rất nhiều.
Đến đây chắc bạn đã hiểu phần nào về sự khác biệt giữa 3 thuật ngữ nói trên. Dù khác biệt nhưng trên thực tế Bump Map, Normal Map và Displacement Map vẫn được sử dụng kết hợp trong rất nhiều tình huống và sản phẩm cụ thể. Hiểu rõ bản chất của 3 kỹ thuật này và biết cách sử dụng linh hoạt sẽ giúp bạn xử lý được nhiều yêu cầu thiết kế khó.
Xem thêm: Học thiết kế đồ họa 3d
Lời kết
Bump Map, Normal Map và Displacement Map vẫn luôn là những kỹ thuật xử lý vật liệu được ưa chuộng nhất hiện nay. Thành thạo về những kỹ thuật này sẽ mang đến một ưu thế không nhỏ giúp bạn phát triển thêm trong ngành sáng tạo 3D chuyên nghiệp. Hy vọng bài viết của Master Media Academy đã mang đến những thông tin có ích cho bạn.