
Chuyên mục giải “lú”: Phân biệt Shader, Texture và Material
Không ít bạn học đồ họa và thiết kế 3D gặp khó khăn với 3 thuật ngữ Shader, Texture, Material. 3 thuật ngữ này thường xuyên xuất hiện trong công đoạn mô phỏng bề mặt, đôi khi tách biệt nhưng nhiều lúc lại được sử dụng thay thế nhau. Trong bài viết sau đây, Master Media sẽ giúp bạn phân biệt Shader, Texture và Material cùng ứng dụng của từng thuật ngữ. Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
Giới thiệu về 3 thuật ngữ, vì sao lại dễ xoắn não?
Trong thiết kế (chủ yếu là thiết kế 3D) có một công đoạn là mô phỏng và xử lý bề mặt của mô hình 3D. Cụ thể, mô hình 3D sau khi được tạo dựng qua công đoạn dựng hình (3D Modelling) sẽ cần được chỉnh sửa và thêm thắt bề mặt bên ngoài để trở nên sống động và chân thực hơn. Bạn có thể hình dung đến việc làm búp bê vậy. Búp bê sau khi được lắp ráp và có đầy đủ khuôn mặt, hình hài sẽ cần công đoạn tạo da, tạo tóc, rồi tạo trang phục… Mỗi thành phần này đều cần được xử lý bề mặt để cho ra màu sắc, kết cấu, thậm chí hình ảnh phản ánh chất liệu phù hợp. Ví dụ da của búp bê có màu trắng hay rám nắng, da mịn hay sần sùi…? Các mô hình 3D sẽ cần trải qua công đoạn xử lý bề mặt để có được kết quả hình ảnh như ý. Đây cũng là công đoạn sử dụng các thuật ngữ Shader, Texture và Material.
Vì sao lại xoắn não?
Lý do chính khiến nhiều người dễ nhầm lẫn Shader, Texture, Material xuất phát từ ứng dụng linh hoạt của chính 3 từ này. Các thuật ngữ trên định nghĩa cho các đối tượng, thậm chí là những thao tác nhất định trong quá trình xử lý bề mặt. Với nhiều tình huống thì Designer có thể dùng kết hợp hoặc thay thế các đối tượng và các thao tác của Shader, Texture, Material cho nhau. Từ đó khiến ranh giới giữa các thuật ngữ dần mở rộng và hòa vào nhau, dẫn đến việc gây nhầm lẫn và mơ hồ cho không ít bạn mới vào nghề. Tuy nhiên nếu tập trung làm về xử lý bề mặt trong một thời gian dài, bạn hoàn toàn có thể phân biệt được các khái niệm này, theo cách hiểu riêng và ứng dụng riêng của bản thân.
Phân biệt Shader, Texture và Material
Shader
Shader giống như một thành phần quy định cốt lõi bên trong của dạng hình ảnh mô phỏng bề mặt. Shader có thể là một đoạn code, hoặc một dạng cấu tạo tùy vào phần mềm sử dụng. Các Shader cũng quyết định về việc ánh sáng tương tác như thế nào với bề mặt của mô hình để tạo ra hiệu ứng chân thực nhất.
Texture
Nếu Shader là thành phần quy định phần lõi bên trong thì Texture chính là chi tiết trang trí và phủ ngoài phần lõi ấy. Texture có thể là một hình ảnh, hoặc một mẫu trang trí (pattern) mà Designer tìm trên mạng rồi phủ lên Shader. Từ đó Designer có được một kết cấu hoàn chỉnh gồm Shader và Texture, vừa có phần lõi bên trong có thể uyển chuyển điều chỉnh được nhiều sắc thái, vừa có phần bao ngoài trang trí đẹp mắt để lắp ráp lên bề mặt mô hình 3D.
Material
Material chính là Shader và Texture hợp lại, giống như một bể chứa bao hàm cả 2 yếu tố trên. Các Material sẽ được lắp ráp lên bề mặt mô hình 3D để tạo nên lớp bề mặt với chi tiết sống động, chân thực nhất.
Nhìn chung thì Shader quy định phần lõi, Texture hỗ trợ trang trí phần ngoài, Material là tổng thể cả 2 đối tượng trên. Tuy nhiên với cách sử dụng rất linh hoạt hiện nay thì những định nghĩa trên hoàn toàn có thể biến đổi. Trong nhiều trường hợp Shader và Material thường được dùng linh hoạt cho nhau.
Để hình dung rõ hơn, bạn có thể liên tưởng đến việc tạo một lớp áo cho nhân vật búp bê 3D. Búp bê này mặc chiếc áo len mỏng, bề mặt sẽ có những sợi lông xù xì ngắn. Bề mặt áo cũng di chuyển sống động, thay đổi màu sắc và kết cấu tùy theo cử động của búp bê. Vậy làm thế nào để có được bề mặt lông xù xì mà vẫn biến màu và uyển chuyển khi cần thiết ấy? Câu trả lời là ta cần tạo Shader quy định phần kết cấu cho ra cái hình sáng xù xì và có thể tương tác với ánh sáng để đổi màu khi cần thiết. Bên cạnh đó cũng cần một lớp Texture để trang trí để hiển thị cái bề mặt xù xì kia. Cuối cùng để phủ lên bề mặt mô hình búp bê, ta cần có Material tích hợp cả Shader và Texture.
Lời kết
Không dễ để phân biệt Shader, Texture và Material nếu bạn mới làm quen với thiết kế nói chung và 3D nói riêng. Tuy nhiên nếu thực hành nhiều và chịu khó tìm hiểu các kiến thức mới, bạn sẽ dần hiểu bản chất và biết cách sử dụng 3 thuật ngữ này. Hy vọng bài viết của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!