Giúp bạn phân biệt 3 dạng ảnh JPEG, PNG và GIF
Có một thực tế là không phải ai mới làm Design cũng phân biệt được những dạng ảnh cơ bản nhất. Đây là điều hoàn toàn bình thường! Nếu bạn chưa có thời gian tìm hiểu về chủ đề trên, hãy cùng Master Media khám phá trong bài viết sau đây nhé!
Ảnh JPEG (File Joint Photographic Experts Group)
Ảnh JPEG được giới thiệu lần đầu vào năm 1986, có thể nói là dạng ảnh có “tuổi thọ” lâu đời nhất so với GIF và PNG. Định dạng JPEG hỗ trợ hiển thị các hình ảnh 16 bit hiển thị đến hàng triệu màu sắc khác nhau. Ngoài ra các file đuôi JPEG còn cho phép nén và tạo ảnh với dung lượng nhỏ. Những ưu thế này đã giúp JPEG trở thành định dạng ảnh được ưa chuộng hàng đầu để đăng tải lên website cần hình minh họa đặc sắc mà không tốn dung lượng.
Tuy nhiên, dạng ảnh này lại có nhược điểm về chất lượng hình khi nén hoặc thu nhỏ. Các ảnh file JPEG khi bị nén lại sẽ vô tình tạo ra những điểm mờ giữa các điểm ảnh màu. Từ đó khiến ảnh bị vỡ nét trông thấy và kém chất lượng hẳn khi thay đổi kích thước. Vì nhược điểm này mà ảnh đuôi JPEG không phù hợp cho những website hoặc địa chỉ đăng tải cần ảnh rõ nét, không bị biến đổi qua nhiều môi trường đăng tải khác nhau.
Ảnh GIF (Graphics Interchange Format)
Ảnh GIF ra đời vào năm 1987, được phát triển bởi công ty CompuServe nhằm tạo ra một dạng ảnh với dung lượng vừa phải, có thể chia sẻ qua những đường truyền khác nhau. Ảnh GIF có thể hiển thị những hình ảnh không quá 256 màu sắc khác nhau cho mỗi khung hình. Loại ảnh này có thể được nén lại từ kích thước to thành nhỏ nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo. Ảnh GIF còn hỗ trợ tạo ảnh động, các ảnh icon dạng bé. Tuy nhiên nhược điểm của loại ảnh này là không thể hỗ trợ các ảnh trên 256 màu, phần nào hạn chế ứng dụng của ảnh, nhất là trong bối cảnh công nghệ ảnh kỹ thuật số phát triển như hiện nay.
Ảnh GIF phù hợp nhất cho những trường hợp nào? Đặc trưng với dung lượng ảnh vừa phải (có thể thấp hơn ảnh JPEG), hỗ trợ tạo ảnh động, và thuộc dạng ảnh nén không mất dữ liệu, ảnh GIF thường được dùng cho những sản phẩm sau:
- Ảnh minh họa đơn sắc trên Website;
- Tạo icon nhỏ để trang trí cho các sản phẩm đồ họa;
- Tạo ảnh chuyển động cơ bản;
- Có thể thay thế cho Motion Graphic và Animation đơn giản.
Xem thêm: Top 9+ định dạng file thiết kế thông dụng mà desgner nên biết
Ảnh PNG (Portable Network Graphics)
PNG là định dạng ảnh “sinh sau đẻ muộn” nhưng được kế thừa nhiều ưu điểm của những loại ảnh đi trước. Đuôi file PNG được giới thiệu vào khoảng năm 1995 – 1996 với mục đích chính là thay thế cho dạng ảnh GIF và cả JPEG trong những trường hợp cần thiết. Định dạng này có thể hỗ trợ các ảnh dạng 8 bit và 24 bit. Những ảnh 8 bit sẽ giống như ảnh GIF, không quá 256 màu sắc nhưng dung lượng còn nhỏ hơn ảnh GIF. Những ảnh PNG 24 bit sẽ mang đặc tính giống ảnh JPEG hơn, hỗ trợ hiển thị ảnh với hơn 16 triệu màu nhưng không bị ảnh hưởng về chất lượng khi nén ảnh. Những file PNG này sẽ có dung lượng nặng hơn so với ảnh JPEG. Đặc biệt, file đuôi PNG có thể lưu lại những ảnh trong suốt, tạo ra các dạng ảnh tách nền dễ dàng ghép và chỉnh sửa vào các file đồ họa. Nhờ đặc tính này mà ảnh PNG rất được các nhà thiết kế ưa chuộng.
Về ứng dụng, ảnh đuôi PNG phù hợp để dùng cho các sản phẩm thiết kế đồ họa vì chất lượng ảnh đẹp, không bị thay đổi ảnh nếu nén ảnh xuống kích thước nhỏ hơn. Đồng thời ảnh PNG còn hỗ trợ lưu ảnh trong suốt, rất phù hợp để ghép nền, chỉnh sửa trong các file thiết kế. Ngoài ra, các ảnh PNG còn được dùng để minh họa trên website và những kênh truyền thông yêu cầu chất lượng ảnh rõ nét như Facebook, ảnh minh họa báo điện tử, ảnh trên website chuyên về thiết kế, thẩm mỹ.
Một nhược điểm lớn của ảnh PNG là dung lượng ảnh cao, gấp nhiều lần so với JPEG. Dung lượng này khiến ảnh PNG khá kén chọn với các nền tảng HTML khác nhau. Đa số website thông thường sẽ thích dùng JPEG hơn vì dung lượng file nhẹ. Còn ảnh PNG chỉ phù hợp với các nền tảng được xây dựng tốt và yêu cầu ảnh chất lượng cao.
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa
Lời kết
Trên đây là những đặc điểm cơ bản giúp bạn phân biệt được 3 dạng ảnh JPEG, ảnh GIF và ảnh PNG. Đâu là loại ảnh phù hợp nhất với nhu cầu học thiết kế của bạn và sẽ được sử dụng nhiều nhất? Hy vọng bài viết của Master Media sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời cho riêng mình!