Những điều nên biết trước khi quyết định theo ngành 3D
Lựa chọn theo một ngành nghề nào đó đều là quyết định lớn cần cân nhắc kỹ càng. Ngành 3D cũng không phải ngoại lệ. Các vị trí trong ngành đều có yêu cầu riêng, đòi hỏi người làm nghề dành thời gian và tâm sức để học tập và đầu tư. Nếu bạn đang có ý định theo làm ngành 3D, sau đây là một số yếu tố bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định.
Xác định bạn muốn học 3D vì điều gì?
Trước khi theo học 3D, bạn hãy xác định thật rõ bạn bị thu hút ngành này bởi điều gì? Có bạn thích 3D vì hay chơi Game, xem phim và thích những hình ảnh sinh động đẹp bắt mắt trong những sản phẩm này. Không ít bạn chọn ngành vì nghĩ rằng làm 3D cho phép bạn thỏa sức bay bổng, sáng tạo. Cũng có bạn quan tâm vì thấy mình có thể học được nghề này và kiếm ra thu nhập. Dù lý do là gì, bạn cũng nên xác định thật rõ trước khi dấn thân vào ngành.
Vì sao lại cần như vậy? Xác định rõ lý do, và cả mục tiêu học sẽ giúp bạn vững vàng hơn trong những khó khăn khi theo nghề. Nghề nào cũng sẽ có thử thách, 3D cũng vậy. Không ít bạn chọn theo học vì những hứng thú ban đầu nhưng rồi vỡ mộng, và mơ hồ vì những khó khăn bạn mang đến. Ngành 3D rất cởi mở nhưng sẽ không dễ học nếu bạn chẳng chịu bỏ thời gian, công sức rèn luyện. Ngành yêu cầu những kiến thức chuyên môn về thẩm mỹ, thiết kế, đòi hỏi tư duy kỹ thuật và nhạy bén với công nghệ. Bên cạnh đó ngành còn rất rộng, có người học 3D còn làm trong những lĩnh vực hơi khô khan như xây dựng, kỹ thuật…
Bởi vậy hãy xác định thật rõ bạn muốn học 3D vì điều gì, và muốn đạt mục tiêu gì. Một khi bạn đã chắc chắn về điều đó, bạn mới có thể vững vàng, kiên định để theo nghề và phát triển với nghề.
Bạn có thể đầu tư chi phí bao nhiêu cho ngành 3D?
Để học và làm 3D chuyên nghiệp có thể khá tốn kém. Các công việc trong ngành này cần đầu tư máy tính cấu hình tốt để học và làm việc. Tiêu biểu như công đoạn Render trên các phần mềm cho ra sản phẩm cuối cùng. Một chiếc máy ổn sẽ thực hiện công đoạn này chỉ trong thời gian ngắn, những file nặng có thể 1 tiếng. Một chiếc máy không đủ khỏe có thể kéo dài thời gian lên vài tiếng. Và đó mới là một công đoạn nhỏ trong quá trình làm 3D. Hãy hình dung bạn không đầu tư máy phù hợp, cả quá trình có thể kéo dài trong bao lâu?
Bên cạnh máy tính, người làm 3D cũng cần đầu tư về phần mềm học. Đa số các phần mềm làm 3D chất lượng và phổ biến nhất đều yêu cầu trả phí. Bạn vẫn có thể tham khảo những phần mềm miễn phí như Blender, tuy nhiên để theo nghề lâu dài bạn vẫn cần biết ít nhất 2-3 phần mềm khác nhau. Không phải phần mềm nào cũng có thể miễn phí.
Từ hai yếu tố trên, bạn hãy suy nghĩ cẩn thận về chi phí học và theo ngành 3D. Nói như vậy không có nghĩa là ngành 3D “kén”, chỉ dành cho người có điều kiện. Nhưng trên đây là những chi phí tối thiểu bạn cần đầu tư để CÓ THỂ làm nghề. Từ những đầu tư ban đầu này bạn mới dần tạo ra những sản phẩm ấn tượng, hoàn thành những dự án sáng tạo tiềm năng và mang đến nguồn thu nhập tốt.
Công việc 3D không chỉ có sáng tạo bay bổng
Đúng là ngành 3D cho phép bạn sáng tạo bay bổng, nhưng đó chưa phải tất cả. Công việc trong ngành cần tính kỹ thuật, thể hiện qua sự nhạy bén với công nghệ như phần mềm và máy móc. Chưa kể bạn còn cần sáng tạo theo một yêu cầu đề bài có sẵn từ phía khách hàng, quản lý dự án. Tưởng nghệ thuật nhưng còn yêu cầu cả kỹ thuật, sáng tạo nhưng chỉ được theo yêu cầu từ phía khách hàng. Đó là những đặc trưng luôn luôn có của ngành 3D. Nếu bạn là một người thiên cảm xúc, đề cao sự bay bổng, bạn có chấp nhận thỏa hiệp với những đặc trưng ngành trên hay không? Nếu bạn muốn gắn bó lâu dài với ngành 3D, hãy cởi mở và sẵn sàng thích nghi với những nét đặc trưng đó nhé!
Làm quen với Deadline
Ngành 3D nói riêng, và sáng tạo nói chung, có thể cho bạn linh hoạt về thời gian. Bạn không bắt buộc phải theo khung giờ hành chính cứng nhắc tại văn phòng như các công việc khác. Bạn có thể làm việc theo khung thời gian cá nhân, theo cách bạn sắp xếp. Tuy nhiên bạn sẽ cần đảm bảo hoàn thành đúng Deadline đã đưa ra. Nhiều khi Deadline sẽ rất “thư giãn” với người làm nghề. Nhưng cũng không ít lần họ phải đối mặt với Deadline dồn dập, làm không kịp thở vì yêu cầu của dự án. Áp lực về Deadline và thời gian luôn là một cái gì đó rất ám ảnh với những người trong ngành. Nếu bạn thấy ổn với việc làm việc xuyên ngày đêm, hoặc nhiều lúc giờ giấc không quá cố định, hãy thử sức với ngành 3D nhé!
Xem thêm: Học thiết kế đồ họa 3d
Lời kết
Học và theo ngành 3D sẽ là một hành trình dài với những thử thách nhất định cho người theo nghề. Chủ động tìm hiểu trước về ngành sẽ cho bạn tâm thế vững vàng và sẵn sàng hơn cho hành trình đó. Hy vọng bài viết của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!