Những sự thật “lãng xẹt” về các logo nổi tiếng
Apple, Pepsi, hay Walt Disney là những thương hiệu nổi tiếng luôn được chú ý. Đã có rất nhiều suy đoán và câu chuyện ly kỳ về ý nghĩa của logo những thương hiệu nổi tiếng trên. Tuy nhiên sự thật chưa hẳn đã như lời đồn đoán của công chúng.
Logo nổi tiếng Walt Disney
Câu chuyện phổ biến nhất
Thương hiệu Walt Disney lâu đời được biết đến với biểu tượng chữ và hình ảnh tòa lâu đài. Chữ Walt Disney hiển thị với nét viết khá tròn trịa, giống như một chữ ký. Nhiều người cho rằng đây chính là chữ ký của nhà sáng lập thương hiệu Walt Disney. Suy đoán này được cho là có độ xác thực cao. Bởi lẽ một số fan hâm mộ may mắn gặp Walt Disney đã nhận được chữ ký rất giống logo. Tuy nhiên sự thật không hề như chúng ta vẫn nghĩ.
Sự thật thì ngược lại
Trong khoảng những năm 1930 – 1940, Walt Disney vô cùng bận rộn với công việc của mình. Thời điểm đó ông cũng rất nổi tiếng với các khán giả lớn nhỏ tại nhiều nơi. Đã có nhiều thư tín từ các fan hâm mộ gửi đến văn phòng ông. Với khối lượng công việc khổng lồ thì việc trả lời những thư tín đó là điều không thể với Walt Disney. Để giải quyết vấn đề, Walt quyết định giao lại phần việc này cho thư ký và một số nhân viên khác. Những người này đã nghĩ ra cách nhờ các nghệ sĩ của hãng tạo ra một phiên bản chữ ký cách điệu dựa trên chữ ký thật của Walt. Phiên bản này vẫn có ít nhiều khác biệt so với bản gốc.
Cách làm này đã giải quyết được vấn đề thư tín cho văn phòng Walt Disney. Tuy nhiên về sau nó lại trở nên quá phổ biến, thậm chí còn lấn át chữ ký thật sự. Thậm chí bản thân Walt Disney cũng phải chấp nhận thay đổi chữ ký theo phiên bản nổi tiếng. Trong nhiều năm ông đã phải học cách ký tá lại để giống với bản mẫu trên logo nổi tiếng của mình. Có lẽ ông là người chủ duy nhất trên thế giới phải học cách ký tên do nhân viên mình tạo ra.
Logo quen thuộc của Pepsi
Con số 12939 và Caleb Braham
Cũng đã có những câu chuyện khá ly kỳ đằng sau chiếc logo nổi tiếng của PEPSI. Phiên bản nổi tiếng nhất có lẽ là con số bí ẩn nằm trong tên thương hiệu. Nếu bạn soi tên PEPSI trong gương, dòng chữ sẽ hiện lên con số 12939. Suy đoán theo ngày tháng năm, con số này tương ứng với ngày 9 tháng 12 năm 1939. Nhiều người cho rằng đây là ngày mà tên thương hiệu ra đời.
Có câu chuyện kể rằng cái tên PEPSI là ý tưởng của Caleb Bradham. Ông cũng là người chế tạo ra công thức nước uống của thương hiệu này. Một ngày nọ, Caleb phải ra ban công để thư giãn sau nhiều ngày suy nghĩ về tên gọi cho nước uống mới. Ông vô tình lấy tay viết ngày hiện tại lên cửa sổ: 12.9.39. Nhìn về mặt sau cửa kính, dãy số hiện thành dòng chữ PEPSI. Caleb đã quyết định lấy luôn dòng chữ này để đặt tên cho nước uống. Và tên gọi PEPSI đã ra đời từ đó.
Sự thật ý nghĩa Logo nổi tiếng Pepsi lại vô cùng đơn giản
Quả thực câu chuyện trên rất thú vị, khiến nhiều người càng hứng thú hơn với thương hiệu đồ uống này. Tuy nhiên đây chỉ là đồn thổi và sự thật thì nguồn gốc cái tên PEPSI đơn giản hơn thế rất nhiều. Vào năm 1893, dược sĩ Caleb Bradham đã chế tạo nước giải khát mới bao gồm các thành phần như vani, hạt cây cola… Loại nước này ban đầu được đặt theo tên của ông: Brad’s Drink. 5 năm sau đó, nước uống được đổi tên thành Pepsi-Cola dựa vào thành phần và công dụng đồ uống.
Caleb cho rằng đồ uống này sẽ hoạt động giống như enzym pepsin có trong dạ dày. Từ đó nước uống sẽ giúp người tiêu dùng tiêu hóa tốt hơn. Cái tên Pepsi-Cola được ghép từ chữ pepsin và cola. Về sau tên gọi đã được rút gọn thành chữ PEPSI.
Logo “táo cắn dở” nổi tiếng thương hiệu nhà Apple
Lấy cảm hứng từ nhà toán học thiên tài Alan Turing?
Giống như Walt Disney và Pepsi, Apple cũng có logo với rất nhiều giả thuyết thú vị. Một trong số đó là câu chuyện về nhà toán học thiên tài Alan Turing. Ông là người đã đặt nền móng cho máy tính ngày nay. Tuy có tài năng lớn nhưng Alan lại bị phân biệt đối xử và kỳ thị nặng nề vì là người đồng tính. Sau thời gian dài đau khổ, ông đã tự tử bằng một trái táo độc. Hình ảnh quả táo cắn dở của Apple được cho là tượng trưng cho trái táo đã kết thúc cuộc đời của Alan Turing. Đây là cách để thương hiệu tôn vinh nhà thiên tài mang đến nhiều cống hiến cho nhân loại.
Giả thuyết về con số 3
Một giả thuyết khác cho logo nổi tiếng của Apple có liên quan đến con số 3. Giả thuyết này cho rằng có 3 trái táo mang đến thay đổi lớn cho toàn nhân loại. Quả táo thứ nhất là trái cấm của Adam và và Eva. Quả táo thứ hai là trái táo đã rơi trúng đầu nhà khoa học Issac Newton. Quả táo thứ 3 sẽ là trái táo cắn dở của Apple. Thương hiệu này sẽ tạo nên cuộc cách mạng lớn trong công nghệ, tác động đến cuộc sống của người dân toàn cầu.
Ý nghĩa thật sự đằng sau logo nổi tiếng của Apple
Các giả thiết trên đều có sức thuyết phục nhất định. Tuy nhiên đáng tiếc thay đó đều không phải ý nghĩa thật sự của logo Apple. Theo giải thích từ người sáng tạo logo – nhà thiết kế Rob Janoff, quả táo cắn dở chỉ đơn giản để… tránh bị nhầm với thức quả khác. Ông chọn táo vì đây là loại quả dễ ăn, gần gũi với nhiều người. Nó cũng giống như tính chất của Apple, khá thân thiện với người dùng. Vì thiết kế quả táo tròn dễ gây nhầm lẫn nên ông quyết định tạo chi tiết miếng cắn dở. Càng thú vị hơn khi từ “miếng cắn” trong tiếng Anh (Bite) có cách động giống với đơn vị dữ liệu Byte
Xem thêm các câu chuyện thú vị về logo
Bí mật về Logo đằng sau những thương hiệu nổi tiếng thế giới(P1)
Giải mã ý nghĩa Logo: Cảm hứng đằng sau các nhãn hiệu lớn(P2)
Master Media hứa hẹn sẽ đem lại nhiều kiến thức mới mẻ cho bạn trong ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế đồ họa Game & hoạt hình 3D!
Cùng theo dõi chúng mình để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị bạn nhé!
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC2btjhNa9a3LCIlMra29t9g/videos
Tiktok: https://www.tiktok.com/@mastermedia.vn
Facebook: Master Media Academy