3 cách siêu dễ giúp Designer tạo ra Moodboard
Nếu bạn bí ý tưởng hoặc có ý tưởng mà vẫn còn băn khoăn, Moodboard sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề trên. Còn nếu bạn chưa biết Moodboard là gì, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Master Media nhé!
Giới thiệu về Moodboard
Đúng như tên gọi, Moodboard là một bảng (board) thể hiện tâm trạng hoặc cảm xúc (Mood) của người tạo ra nó. Về hình dáng, Moodboard có thể mang hình hài theo đúng nghĩa đen là một tấm bảng to hoặc nhỏ tùy ý, nhưng cũng có thể là một file có dạng bảng thuộc một phần mềm nào đó trên máy tính. Về nội dung, Moodboard sẽ trưng bày những hình ảnh, hình vẽ, chữ viết… với những hình dáng, màu sắc nhất định, được người tạo ra lựa chọn theo một số tiêu chí. Những hình ảnh, hình vẽ… nói trên cũng được sắp xếp theo một số trình tự hoặc bố cục cụ thể. Mục đích cuối cùng nhằm phản ánh nên phong cách, trạng thái, cảm xúc của ý tưởng tổng thể mà người sáng tạo muốn truyền tải qua đó.
Để giúp bạn hình dung rõ hơn về Moodboard, ta có thể lấy ví dụ về một Designer cần tạo ra một poster giới thiệu phim hài. Designer này muốn sử dụng các tông màu rực rỡ, với hình ảnh vui tươi và đặc trưng của bộ phim. Rất nhiều ý tưởng đã xuất hiện, Designer tạo ra nhiều Moodboard khác nhau và đính các hình ảnh đặc trưng cho từng ý tưởng lên đó. Moodboard 1 sử dụng các hình ảnh, chữ viết với tông màu vàng tươi chủ đạo. Moodboard 2 thu thập các hình ảnh với tông màu hồng sáng, chỉ dùng ít vàng tươi… Designer này có thể tổng hợp mọi hình ảnh, hình vẽ, chữ viết phù hợp với 2 ý tưởng trên và cho vào từng Moodboard. Dựa vào đó Designer dễ dàng quan sát ý tưởng nào sẽ phù hợp và thú vị hơn, từ đó đưa ra lựa chọn cho mình.
Xem thêm: Moodboard – Bí quyết sáng tạo của designer chuyên nghiệp
Những cách đơn giản để tạo Moodboard
Qua giới thiệu trên, chắc hẳn bạn đã thấy Moodboard không hề khó làm. Bạn chỉ cần thu thập các yếu tố như hình ảnh, hình vẽ, chữ viết… và sắp xếp chúng vào một tấm bảng, hay một khung hình trên phần mềm là xong. Dưới đây là 3 cách đơn giản nhất để tạo ra Moodboard dành cho người mới bắt đầu:
Tạo Moodboard thủ công
Với phương pháp thủ công, bạn sẽ cần chuẩn bị một tấm bảng tùy ý về chất liệu, kích thước. Lưu ý là tấm bảng này cho phép bạn dán, hoặc đính nhiều món đồ lên như tranh, ảnh, thậm chí mô hình, búp bê… Nên chọn chất liệu bảng dễ dàng dán và tháo dỡ các món đồ này để sử dụng nhiều lần, ví dụ như bảng gỗ, bảng ghim bằng gỗ hoặc vải. Bạn cũng có thể dùng giấy khổ to và treo lên tường hoặc để dưới sàn nhà cho các Moodboard dùng 1 lần. Những món đồ phù hợp với Moodboard thủ công thường là tranh ảnh cắt dán từ tạp chí. Ngoài ra còn có hình vẽ, hoặc mô hình từ nhiều chất liệu khác nhau như vải, gỗ, giấy, nhựa… Thậm chí bạn còn có thể trải nghiệm với các chất liệu thiên nhiên như cây cỏ, hoa lá…
Moodboard thủ công sẽ rất phù hợp cho các sản phẩm yêu cầu nhiều chất liệu như thiết kế in ấn, đặc biệt là thiết kế bao bì sản phẩm. Những loại Moodboard này còn được sử dụng làm công cụ trang trí cho không gian làm việc. Rất nhiều Designer đã treo và trưng bày nhiều bảng Moodboard khác nhau trong phòng làm việc của mình. Từ đó tạo nên một không gian sáng tạo đẹp mắt và thú vị, mang đến nguồn cảm hứng cho Designer.
Sử dụng các website trực tuyến
Không phải tự nhiên mà những website như Canva, Pinterest, hay Milanote được giới sáng tạo yêu mến. Các website trên không chỉ hỗ trợ người không chuyên tạo ra các sản phẩm thiết kế phù hợp nhu cầu, mà còn giúp đỡ nhà thiết kế chuyên nghiệp tạo ra các công cụ hiệu quả. Moodboard là một trong số đó. Trên Canva, Pinterest và Milanote sở hữu một kho templates – phông mẫu tạo Moodboard cực kỳ đồ sộ. Bạn chỉ cần vào, tìm một mẫu có sẵn và chèn các hình ảnh, font chữ kỹ thuật số lên trên là đã có ngay một Moodboard khá chỉn chu. Những website này còn cho phép Designer lưu trữ Moodboard thành nhiều file khác nhau, dễ tra cứu và tải xuống để lưu trữ khi cần thiết.
Sử dụng phần mềm thiết kế slide đơn giản
Thêm một công cụ nữa cho các Designer tạo Moodboard trong nháy mắt. Đó chính là các phần mềm thiết kế slide thuyết trình như Microsoft Powerpoint, hay Google Slide. Những phần mềm này tích hợp nhiều bộ công cụ tạo bảng, chèn hình ảnh, chữ viết rất sinh động, hoàn toàn phù hợp nếu bạn muốn một thứ gì đó nhanh, gọn, dễ mà vẫn đủ độ đẹp để tạo ra Moodboard. Hầu như bất cứ ai cũng từng thuyết trình một lần trong đời, vậy nên sử dụng 2 phần mềm trên không hề khó khăn cho người mới.
Xem thêm: Học thiết kế đồ họa
Lời kết
Đến đây chắc bạn đã hiểu và phần nào hình dung về cách làm Moodboard. Đây là công cụ rất có ích cho các Nhà thiết kế đồ họa nói riêng, và người làm sáng tạo nói chung trong quá trình tạo hình ý tưởng. Hy vọng bài viết của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn.