5 điều quan trọng để tạo một profile designer chuyên nghiệp
Từ trường học bước ra ngoài xã hội là một bước tiến lớn yêu cầu chuẩn bị kỹ càng. Giới thiết kế và sáng tạo cũng không ngoại lệ. Làm thế nào để kết nối được với nhà tuyển dụng? Làm thế nào để thể hiện phong cách của mình được với khách hàng? Một profile designer chuyên nghiệp chính là câu trả lời.
Vậy một profile designer cần điều gì?
Khi bắt đầu bước vào thị trường lao động, bạn cần có một CV. Đối với các designer chuyên nghiệp, bạn còn cần thêm một portfolio để lập profile hoàn chỉnh. Tuy nhiên cần nhớ, điều tối kỵ với designer là mang cùng một bộ profile đi ra mắt nhiều nhà tuyển dụng. Bạn nên giữ một khung sườn và thiết kế nhiều bản CV/portfolio khác nhau.
CV là bản lý lịch tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng cá nhân liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển. Đây là một yếu tố rất quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá và xem xét ứng viên. Bạn có thể vào được vòng phỏng vấn hay không 9/10 là dựa vào CV này.
Một chiếc CV profile mà designer cần có:
- Thông tin cá nhân cơ bản
- Thông tin liên lạc
- Giới thiệu sơ lược về bản thân
- Mục tiêu hướng đến
- Trình độ học vấn
- Kỹ năng cá nhân + Đánh giá kỹ năng
- Kinh nghiệm nghề nghiệp (nếu có) + Người tham vấn (nếu có)
- Thành tích cá nhân
Portfolio – hay còn gọi là hồ sơ năng lực – cũng là lý lịch cá nhân. Nhưng thay vì đi sâu vào kinh nghiệm, kỹ năng và những dự án từng hợp tác, portfolio là bản trình bày những sản phẩm mà designer từng làm ra. Nội dung cần chú trọng vào trình bày sản phẩm, bố trí đẹp mắt, và kinh nghiệm rút ra được qua quá trình làm sản phẩm đó.
Một chiếc portfolio profile mà designer cần có:
- Thông tin cá nhân cơ bản
- Thông tin liên lạc
- Giới thiệu sơ lược
- Kinh nghiệm nghề nghiệp: những sản phẩm/dự án đã thực hiện
- Kỹ năng cá nhân + Đánh giá
- Thành tích cá nhân (sơ lược)
Thêm chút kinh nghiệm, “Kỹ năng cá nhân” là một trong những mục đầu tiên mà nhà tuyển dụng đặc biệt chú ý tới. Vì vậy hãy nhớ chắc rằng mình đã liệt kê đủ các kĩ năng mấu chốt dựa trên yêu cầu của Mô tả công việc. Nó có thể được thể hiển bằng các đầu mục minh họa cho từng kỹ năng hay đôi khi đơn giản là các gạch đầu dòng. Ví dụ:
Abilities:
- Graphic Design
- 3D Design/ Game Artist
- Video Editor / Digital Film
Profile của một designer chuyên nghiệp cần chú ý điều gì?
1. Thiết kế thông minh, tinh gọn, bắt mắt
Khả năng của bạn là thiết kế, nên bạn cần thể hiện điều đó. Một CV cá nhân chỉ nên duy trì độ dài trong 1 đến 2 mặt giấy A4, không quá dông dài. Tóm lược các thông tin cần thiết và vận dụng tư duy bố cục để thiết kế một CV đẹp mắt.
Đối với portfolio, bạn cần phải chú ý bố trí hình ảnh sản phẩm của mình cho tối ưu nhất. Ngoài ra, cách sử dụng màu sắc và phông chữ thông minh cũng được đánh giá cao. Portfolio là nơi bạn phô bày sản phẩm và kỹ năng của mình, nên hãy tận dụng toàn bộ độ phân giải để hình ảnh hiển thị rõ nhất, không cần thiết quá nhiều thông tin.
2. Đầy đủ thông tin liên lạc
Ngoài các thông tin cá nhân cơ bản, đừng quên thông tin liên lạc (số điện thoại, email,…) của bạn. Đặc biệt, nếu bạn có một nền tảng đăng tải sản phẩm như trang web, youtube, instagram,… đừng ngần ngại mà hãy đính kèm đường link ngay vào nhé.
3. Thể hiện cá tính riêng
Profile phản ánh tính cách và con người bạn. Và một profile designer chuyên nghiệp thì không được buồn tẻ. Một nhà tuyển dụng designer một ngày phải lướt qua bao nhiêu profile khác nhau, bạn phải làm thế nào để chắc chắn mình nổi bật.
4. Cập nhật các xu hướng mới
Nếu đang bí ý tưởng design thế nào cho ngầu, bạn hãy đi tham khảo các mẫu profile của các designer khác. Có không ít hồ sơ design được chế tác vô cùng đặc biệt: từ tấm poster khổng lồ tới bộ bài poker. Độc đáo và mới lạ cũng có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt bạn thể hiện được tư tưởng sáng tạo, nhưng mặt khác có thể quá phô trương ngạo mạn. Hãy chọn ra phong cách phù hợp nhất với mình để thể hiện.
5. Có tính nhất quán
Khi gửi email cho các nhà tuyển dụng, bạn có thể chọn gửi CV hay portfolio tùy theo yêu cầu của họ. Nhưng nếu gửi cả hai thì hãy để ý đến tính nhất quán, hay trong thiết kế gọi là theo một concept.