7 lưu ý nhỏ giúp Designer tránh lỗi sai khi in ấn thiết kế
Không ít Designer từng “khóc thét” vì thiết kế một đằng, in ra thành một nẻo. Bản in khác hoàn toàn, hoặc không đúng như ý đồ trên file thiết kế là một lỗi khá phổ biến. Những lỗi in ấn này gây ra không ít phiền phức, có khi là tốn kém về tiền bạc cho Designer. Làm sao để tránh hay ít nhất là hạn chế những lỗi này? Sau đây là một số lưu ý nhỏ của Master Media dành cho bạn.
#1 Chọn độ phân giải hợp lý
Thiết kế thường rất thích các file nhẹ. Đó là những file có dung lượng nhỏ, không mất nhiều thời gian để tải hoặc copy sang các thiết bị khác. Tuy nhiên rủi ro lớn của file dung lượng nhỏ là dễ in ra sản phẩm bị mờ, vỡ nét, không rõ nét. Bởi lẽ hầu hết các file nhẹ sẽ có độ phân giải không cao.
Một sự thật trớ trêu là file thiết kế càng nặng thì độ phân giải càng cao, khi in dễ cho ra sản phẩm sắc nét, chất lượng màu ảnh tốt. Tuy nhiên file dung lượng nặng thường tốn công sức và thời gian để tải và copy file.
Từ hai đối nghịch trên, dễ thấy việc của Designer là phải cân bằng giữa hai yếu tố: độ phân giải và dung lượng file. Bạn không nên ham đồ nhẹ mà bỏ qua độ phân giải phù hợp. Ngược lại đừng vì quá ám ảnh với độ phân giải mà chọn lưu file nặng, dễ gây cồng kềnh cho công việc in ấn. Sau đây là một số độ phân giải phù hợp với từng kích thước file in.
#2 Chọn đúng hệ màu khi in
Một lỗi in ấn cơ bản mà rất nhiều Designer mới vào nghề thường mắc phải đó là không chọn đúng hệ màu. Trong thiết kế hiện có 2 hệ màu phổ biến: RGB và CMYK. RGB là hệ màu sử dụng cho các thiết bị phát ra ánh sáng như máy tính, điện thoại… Hầu hết những màu sắc trên phần mềm chỉnh sửa ảnh và đồ họa như Photoshop, Adobe Illustrator đều thuộc hệ màu RGB.
Trong khi đó CMYK là hệ màu được sử dụng cho máy in. Hệ màu này hoạt động theo cơ chế hấp thụ và phản xạ các tia màu. Đặc điểm này đặc biệt phù hợp cho các sản phẩm thiết kế dạng in ấn như poster, banner, tờ rơi, biển hiệu, brochure, catalogue…
Các file thiết kế trên máy thường thuộc hệ màu RGB. Để chúng có được màu sắc đúng chuẩn như file trên máy sau khi in, thiết kế cần thao tác chuyển đổi từ hệ màu RGB sang CMYK. Nhiều Designer quên mất thao tác này dẫn đến việc màu ra bị lỗi và khác hoàn toàn so với file thiết kế gốc. Bởi vậy hãy lưu ý việc chuyển hệ màu trước khi in ấn, các bước thao tác sẽ tùy thuộc vào phần mềm thiết kế được sử dụng (PTS, AI hay InDesign…)
#3 Chọn kích thước thiết kế phù hợp
Đã bao giờ bạn in ảnh thiết kế ra nhưng lại bị thừa giấy, hay tệ hơn thiếu giấy. Từ đó thiết kế của bạn trở nên thừa thụt, không hề vừa vặn với giấy trên máy in? Điều này xuất phát từ việc bạn chưa điều chỉnh kích thước thiết kế phù hợp với kích thước giấy bạn muốn có. Bởi vậy trước khi bắt tay vào thiết kế, điều đầu tiên bạn nên làm là tìm hiểu về kích thước đầu ra của sản phẩm in. Sau đó bạn mới điều chỉnh thiết kế phù hợp nhất với kích thước, tránh tình trạng đầu thừa đuôi thẹo sau khi in ra thành phẩm.
Một số kích thước để bạn tham khảo thêm:
– A0: 841 x 1189 mm
– A1: 594 x 841 mm (23,4 x 33,1 inch)
– A2: 420 x 594 mm (16,5 x 23,4 inch)
– A3: 297 x 420 mm (11,69 x 16,5 inch)
– A4: 210 x 297 mm (8,27 x 11,69 inch) phù hợp cho tài liệu văn phòng (báo cáo, hồ sơ, hợp đồng), và tài liệu học tập.
– A5: 148 x 210 mm (5,83 x 8,27 inch) phù hợp cho thiết kế tờ rơi, sách, brochure.
– A6: 105mm x 148mm phù hợp cho thiết kế thiệp mời, phong bì.
– Brochure: 200 x 300 mm
– Standee: 600 x 1600 mm hoặc 800 x 1800 mm
– Banner: dạng nhỏ 610mm x 1829mm, dạng lớn thường là1219mm x 2438mm.
– Poster: Kích thước dao động từ 457mm x 610mm đến 610mm x 914mm.
– Nhãn: từ 50mm x 50mm đến 216mm x 279mm.
– Túi giấy: phổ biến từ 127mm x 178mm đến 406mm x 152mm x 305mm.
#4 Chọn định dạng ảnh phù hợp với thiết kế
Việc chọn định dạng ảnh của file thiết kế cũng ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình in ấn. Bạn nên lưu trữ file theo định dạng phù hợp nhất với mục đích sử dụng.
Các định dạng file phổ biến:
– JPEG (Joint Photographic Experts Group): định dạng file ảnh rất phổ biến. Tuy nhiên JPEG là dạng ảnh nén, thường làm mất thông tin nên không đảm bảo độ chính xác cao. Định dạng này không nên sử dụng để làm file in ấn vì dễ gây ra rủi ro in ảnh kém chất lượng.
– TIFF (Tagged Image File Format): định dạng file ảnh không nén, đảm bảo lưu trữ dữ liệu ảnh đầy đủ và chính xác. File Tiff thường được sử dụng trong in ấn chuyên nghiệp vì tính chính xác và chất lượng ảnh cao.
– EPS (Encapsulated PostScript): Các file ESP thường sử dụng cho sản phẩm in ấn có dạng biểu đồ, logo, hình ảnh vector. Loại file này phù hợp nhất với hệ màu CMYK và PANTONE.
– PSD (Photoshop Document): là định dạng file của phần mềm Photoshop. Các file này cho phép người dùng lưu trữ mọi hiệu ứng, thao tác đã thực hiện trên phần mềm. File PSD phù hợp nhất cho việc thiết kế và chỉnh sửa ảnh trước khi xuất ra định dạng in. Dạng file này không phù hợp để làm file in ấn cuối cùng.
– AI (Adobe Illustrator Artwork): tương tự như PSD, đây cũng là một định dạng file phù hợp cho phần mềm thiết kế. AI là định dạng file của phần mềm Adobe Illustrator. Dạng file này lưu trữ các thao tác, hiệu ứng của các thiết kế vector. Rất phù hợp để Designer lưu lại khi chưa hoàn tất mọi thao tác nhưng không nên chọn làm file để gửi đi in.
– PDF (Portable Document Format): định dạng file phù hợp cho lưu trữ văn bản, hình ảnh, đồ họa. Dạng file này phù hợp để gửi email, xuất bản trực tiếp, có thể sử dụng làm file in ấn.
#5 Chú ý vùng bù xén của thiết kế
Vùng bù xén (bleed) là đoạn viền trắng bao quanh thiết kế. Những đoạn viền này sau khi in sẽ bị cắt bỏ để thiết kế được chỉn chu hơn. Vùng bù xén có vai trò khá quan trọng, bảo vệ phần thiết kế chính không bị cắt nhầm sau khi ra thành phẩm. Bởi vậy mà bất cứ thiết kế nào cũng nên có vùng bù xén. Kích thước phổ biến cho vùng bù xén thường vào khoảng 3-5 mm.
#6 Đưa chữ về dạng outline
Một thao tác khác rất nên chú ý để tránh lỗi in ấn là đưa chữ về định dạng outline. Thao tác này giúp Designer tránh những rủi ro như font chữ bị thay đổi, lỗi ngoài ý muốn. Việc outline hay cố định phần font chữ bạn đã dày công điều chỉnh sẽ đảm bảo tính an toàn cho font chữ hơn. Bất cứ ai tiếp xúc với file thiết kế sẽ không thể thay đổi font chữ bằng bất kỳ thao tác nào.
#7 Phải thao tác nhúng (embed) trước khi in
Nhiều Designer thường dẫn liên kết ảnh để tránh nặng file. Tuy nhiên đa số lại quên mất một thao tác quan trọng là nhúng (embed) ảnh sau khi hoàn chỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng file mang đi in bị hiển thị chất lượng thấp, hoặc mất đi một số yếu tố đồ họa khi thiết kế.
Xem thêm: Học viện thiết kế đồ họa
Tạm kết
Trên đây là 7 lưu ý nhỏ nhưng sẽ giúp bạn tránh khỏi những lỗi in ấn nghiêm trọng trong thiết kế. Chỉ một chút lưu tâm và thực hành sẽ giúp việc thiết kế trở nên suôn sẻ hơn rất nhiều. Hy vọng bài viết trên của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn.