Color Grading – nghệ thuật tạo màu cực đỉnh của dân sáng tạo
Nếu bạn đã từng thắc mắc vì sao nhiều bộ phim, video, hay tấm ảnh có màu sắc ấn tượng đến vậy? Bài viết sau của Master Media sẽ mang đến lời giải đáp cho bạn. Câu trả lời nằm ở cụm từ khóa mang tên: Color Grading.
Color Grading là gì? Vì sao quan trọng?
Color Grading xuất phát từ ngành công nghiệp điện ảnh. Từ thời điện ảnh còn ở định dạng phim nhựa, các nhà làm phim phải dùng nhiều cách khác nhau để điều chỉnh màu sắc sao cho đúng với ý đồ đạo diễn. Về sau công nghệ làm phim dần tiên tiến hơn, những đội ngũ đã có thể thực hiện các thao tác hoàn toàn trên phần mềm máy tính, qua những thông số cụ thể về màu sắc nhằm tạo màu phim như ý. Toàn bộ quá trình điều chỉnh màu trên phim như vậy được gọi là Color Grading.
Nhìn chung Color Grading là quá trình điều chỉnh và tạo màu cho hình ảnh, video, cảnh phim sao cho đúng với mong muốn và ý đồ của các đạo diễn. Quá trình này hỗ trợ tạo nên bầu không khí và màu sắc đặc trưng nhất, gia tăng thêm tính nghệ thuật cho sản phẩm sáng tạo. Ví dụ như bộ phim Ma Trận nổi tiếng, đặc trưng bởi sắc xanh lá ma mị. Hay như tác phẩm Ở Nhà Một Mình, được phủ màu sắc tươi sáng đúng với tinh thần một bộ phim Giáng sinh cho thiếu nhi.
Vì sao Color Grading lại quan trọng?
Không phải bức ảnh hay cảnh phim nào ghi hình cũng hiển thị được màu sắc đẹp mắt. Quá trình chụp ảnh và ghi hình chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như địa hình, chất lượng kỹ thuật thiết bị quay chụp, tay nghề người quay chụp… Bởi vậy điều chỉnh màu là quy trình bắt buộc trong mỗi khâu hậu kỳ bao gồm chỉnh sửa ảnh hay dựng phim. Bên cạnh đó mỗi đạo diễn sẽ có ý tưởng nghệ thuật riêng cho tác phẩm. Họ muốn ảnh hoặc phim mang màu sắc cụ thể như này để thể hiện hiệu quả nội dung và đúng tinh thần tác phẩm. Màu sắc chính là một công cụ quan trọng để họ gia tăng giá trị nghệ thuật cho tác phẩm của mình. Vì lý do này mà quy trình Color Grading càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Các bước cơ bản của một quy trình Color Grading
Một quy trình Color Grading phổ biến thường bao gồm những bước cơ bản sau:
Bước 1: Tổng hợp và chuẩn bị các phân cảnh cần điều chỉnh màu
Đầu tiên chuyên viên Color Grading cần tổng hợp lại tất cả những hình ảnh hoặc phân cảnh phim cần điều chỉnh. Sau đó họ lên thời gian cụ thể, những thông số cần chú ý và tạo bản sao cho trường hợp cần thiết.
Bước 2: Hiệu chỉnh cơ bản
Bước tiếp theo, chuyên viên bắt đầu điều chỉnh các thông số màu sắc cơ bản trước để các hình ảnh được cân bằng và tự nhiên trước. Những thông số thường được lưu ý trong bước này bao gồm: độ Cân bằng trắng (White Balance), độ sáng (Exposure), độ tương phản (Contrast), các kênh màu chính (RGB).
Bước 3: Hiệu chỉnh thứ cấp
Sau khi đã điều chỉnh cơ bản về màu, chuyên viên Color Grading bắt đầu chỉnh những yếu tố chi tiết và phức tạp hơn. Công đoạn này thường mất khá nhiều thời gian, ví dụ như thao tác chọn chỉnh sửa một vùng màu sao cho không ảnh hưởng đến màu sắc của những chi tiết khác trong hình ảnh.
Bước 4: Tạo cảm xúc (mood) và không khí tổng thể
Ở bước này, các hình ảnh bắt đầu được điều chỉnh theo hơi hướng cảm xúc và nghệ thuật mà đạo diễn mong muốn. Cảnh phim nên mang màu ảm đạm hay tươi vui, hiện đại hay hơi hướng thần thoại… Các chuyên viên tiếp nhận yêu cầu từ đạo diễn để chỉnh sửa các thông số phù hợp, thường là LUTs (Lookup Tables), Curves (Đường cong).
Bước 5: Đồng bộ màu giữa các phân cảnh
Tại công đoạn cuối cùng, chuyên viên Color Grading tổng hợp lại mọi hình ảnh và chỉnh sửa một lần nữa để chúng được đồng điệu và thống nhất với nhau. Tiêu chí chung là màu sắc phù hợp với từng cảnh, nhưng vẫn thể hiện được tinh thần, cảm xúc và nội dung chính mà tác phẩm mang đến.
Xem thêm: Movies in Color: Khám phá tâm lý học về màu sắc của phim
Phân biệt Color Grading và Color Correction
Khái niệm Color Grading thường bị nhầm lẫn với một thuật ngữ khác là Color Correction. Thực chất Color Correction là các phần công đoạn thuộc về toàn bộ quy trình Color Grading. Cụ thể:
Bước 2: Hiệu chỉnh cơ bản (Primary Color Correction)
Bước 3: Hiệu chỉnh thứ cấp (Secondary Color Correction)
Nhìn chung, Color Grading là cả một quá trình điều chỉnh màu với mục đích tạo bầu không khí, gia tăng vẻ đẹp thị giác cho sản phẩm. Trong khi đó Color Correction là từng công đoạn sửa màu và xử lý màu sao cho cân bằng và đúng yêu cầu hơn.
Xem thêm: Khóa học Visual Artist
Lời kết
Đến đây chắc hẳn bạn đã hiểu vì sao hình ảnh trên phim và trong nhiếp ảnh có thể ấn tượng như vậy. Tất cả đều nhờ có quy trình Color Grading rất công phu, cần đến những bàn tay tài hoa của các chuyên viên về màu sắc. Đây cũng hoàn toàn có thể là một công việc nên thử sức và trải nghiệm nếu bạn có đôi mắt nhạy bén và màu sắc và một tâm hồn yêu nghệ thuật. Hy vọng rằng bài viết của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn.