Cùng nhau tìm hiểu về Stop Motion – hình thức Animation không bao giờ lỗi thời

Cùng nhau tìm hiểu về Stop Motion – hình thức Animation không bao giờ lỗi thời

Trong tất cả loại hình phim hoạt hình Animation, có thể nói Stop Motion là hình thức phim sẽ không bao giờ lỗi thời. Trong bài viết sau đây, Master Media sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về phim Stop Motion cùng những thông tin thú vị về thể loại hoạt hình này nhé!

Stop Motion có tuổi thọ cao hơn cả Chuột Mickey!

Về định nghĩa, Stop Motion là loại hình phim thực hiện theo phương pháp chụp ảnh và ghép hình. Những khung hình phim được tạo dựng bằng cách dùng máy ảnh chụp lại từng cử động của các nhân vật, vật thể. Nhà làm phim sẽ ghép những tấm hình lại, theo một số thao tác kỹ thuật cần thiết khác và tua nhanh. Từ đó ta sẽ có những hình ảnh phim có các nhân vật, vật thể đang chuyển động. 

Điều quan trọng của phim Stop Motion là mọi thay đổi về cử chỉ, thậm chí biểu cảm của đối tượng trong phim đều phải được chụp lại. Một nhân vật có đến 100 cử chỉ khác nhau trong một cảnh quay, sẽ có đến 100 bức hình chụp lại (thậm chí hơn) để tạo ra hiệu ứng chuyển động cho nhân vật đó. Vì tính chất này mà làm phim Stop Motion thường rất mất công sức và thời gian so với nhiều loại hình khác. Tuy vậy thể loại hoạt hình này lại cho những thước phim rất độc đáo và đạt tính thẩm mỹ cao.

Tuổi đời của phim Stop Motion

Có thể bạn chưa biết nhưng Stop Motion là một trong những kỹ thuật làm phim lâu đời nhất. Bộ phim đầu tiên sử dụng Stop Motion là The Humpty Dumpty Circus ra đời năm 1897. 30 năm sau, Chuột Mickey mới xuất hiện trên màn ảnh. Như vậy, Stop Motion còn có tuổi thọ lâu hơn cả chú Chuột nổi tiếng của nhà Walt Disney.

Những cột mốc quan trọng của phim Stop Motion

Mặc dù ra đời sớm so với những loại phim hoạt hình khác nhưng Stop Motion lại có chặng đường phát triển khá chậm chạp. Phần nhiều đến từ kỹ thuật làm phim tốn công sức, đòi hỏi tính kiên trì và sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Sau đây là một số cột mốc quan trọng của loại phim này.

– Năm 1897, The Humpty Dumpty Circus – bộ phim đầu tiên sử dụng kỹ thuật Stop Motion được trình chiếu.

– Năm 1907, phim The Haunted House ra đời. Đây là bộ phim Stop Motion đầu tiên gây được tiếng vang lớn.

– Năm 1912, đánh dấu tác phẩm đầu tiên theo loại hình Clay Stop Motion (Hoạt hình tĩnh dạng đất sét) – Modelling Extraordinary (1912).

– Năm 1925 – 1949, nhà làm phim Willis H. O’Brien cho ra mắt và gặt hái thành công lớn qua những bộ phim Stop Motion nổi tiếng. Tiêu biểu là The Lost World (1925), King Kong (1933), Mighty Joe Young (1949). Riêng bộ phim Mighty Joe Young đã giúp ông đoạt 1 tượng đài Oscar cho hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất.

– Năm 1963 – 1990: Một số bộ phim ứng dụng kỹ thuật Stop Motion ra đời và gây hiệu ứng nhất định. Tuy nhiên chưa có nhà làm phim nào thực sự “dũng cảm” để tạo ra 1 tác phẩm sử dụng 100% kỹ thuật này.

– Năm 2000: Chicken Run (Phi đội gà bay) – bộ phim hoạt hình Stop Motion 100% đầu tiên ra đời. Bộ phim gây tiếng vang lớn và mở ra giai đoạn phát triển bùng nổ của thể loại phim này.

– Năm 2005: Hãng phim Laika được thành lập. Đây là hãng phim nổi tiếng với công nghệ làm phim Stop Motion ấn tượng. Laika đã cho ra mắt rất nhiều phim nổi tiếng và chất lượng như Coraline (2005), The Corpse Bride (2005), ParaNorman (2012), The Boxtrolls (2014), Kubo and the Two Strings (2016).

– Năm 2007: Đánh dấu tập đầu tiên được phát sóng của seri phim hoạt hình Stop Motion nổi tiếng Shaun the Sheep. 40 tập phim truyền hình đã khuấy đảo màn hình của rất nhiều quốc gia trên thế giới.

– Năm 2018: Isle of Dogs ra đời. Đây là tác phẩm điện ảnh nghệ thuật hiếm hoi sử dụng 100% kỹ thuật Stop Motion trong sản xuất. Bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn nổi tiếng Wes Anderson.

Những loại hình Stop Motion phổ biến

Clay Animation (Hoạt hình đất sét)

Clay Animation là dạng phim Stop Motion sử dụng các mô hình được làm từ chất liệu đất sét. Những mô hình sẽ được tạo hình một cách chi tiết nhất. Sau đó được tạo chuyển động bằng tay hoặc công cụ cần thiết khác. Từng chuyển động của các mô hình sẽ được chụp hình lại. Qua đó nhà làm phim ghép hình và tạo ra các thước phim Stop Motion. Những phim Clay Animation nổi tiếng là Shaun The Sheep, Chicken Run.

Puppet Animation (Hoạt hình rối)

Đúng như tên gọi, Puppet Animation là loại hình phim sử dụng các mô hình con rối trong quá trình quay chụp. Tương tự như các mô hình đất sét, các con rối cũng được tạo cử động và chụp ảnh, ghi hình lại để tạo hiệu ứng chuyển động độc đáo.

Những con rối có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như vải, nhựa, giấy, hay gỗ. Các phim Puppet Animation tiêu biểu là Isle of Dogs, Corpse Bride (2005).

Cut-out Animation (Hoạt hình cắt giấy)

Các phim Cut-out Animation đặc trưng bởi các mô hình bằng giấy hoặc vật liệu mảnh. Những mô hình này sẽ được gắn trên một mặt phẳng và tạo chuyển động trên đó. Thể loại này khá kén chọn nhà làm phim vì giới hạn chất liệu, bối cảnh. Phim Cut-out cũng yêu cầu tính tỉ mỉ và kiên nhẫn tốt để sắp xếp các mô hình giấy, chụp lại từng khung hình để tạo ra hiệu ứng chuyển động. 

Tạm kết

Là một trong những thể loại hoạt hình lâu đời nhất, Stop Motion đã cho thấy sức bền bỉ đáng kinh ngạc. Thậm chí thể loại này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển rực rỡ trong tương lai. Bạn thấy sao về Stop Motion? Với máu sáng tạo trong người, hãy thử tự tay mình làm một video Stop Motion mang đậm phong cách cá nhân. Biết đâu đó bạn sẽ có một sản phẩm độc đáo và ghi vào Portfolio của mình. Hy vọng bài viết của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn.

Tác giả

  • Trang Lưu Phan Thị

    8 năm đồng hành cùng thiết kế đồ họa, tôi đã giúp hàng trăm doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp. Từ một ý tưởng sơ khai, tôi sẽ biến nó thành những sản phẩm thiết kế độc đáo và ấn tượng. "Thiết kế là ngôn ngữ của thương hiệu, hãy để tôi kể câu chuyện của bạn!"

    View all posts

Xem thêm

Đăng ký tư vấn khóa học ngay để nhận 7.5 triệu!

Nếu bạn cần liên hệ ngay với Master Media, vui lòng gọi qua số Hotline:

Vui lòng bật JavaScript trong trình duyệt của bạn để hoàn thành Form này.