
Đôi nét về Graffiti – tranh nghệ thuật đường phố
Tranh vẽ đường phố Graffiti từng làm mưa làm gió thế kỷ 20 và vẫn đang là nguồn cảm hứng cho không ít nghệ sĩ và nhà sáng tạo. Vậy loại hình tranh vẽ Graffiti là gì? Chúng ta có thể sử dụng Graffiti như thế nào trong thiết kế?
Đôi nét về Graffiti
Graffiti được biết đến như dạng tranh vẽ tự phát xuất hiện tại các địa điểm công cộng, nơi có nhiều người qua lại và dễ dàng nhìn thấy. Những địa điểm phổ biến và “lý tưởng” nhất cho tranh Graffiti là tường bao trên đường phố chung, ga tàu, thậm chí tường nhà dân. Tranh Graffiti thường được vẽ bằng bình phun sơn dạng nhỏ, dễ dàng xịt màu và điều chỉnh nét vẽ theo ý thích. Cũng vì thường vẽ bằng bình phun sơn nên các bức tranh có đường nét khá phóng khoáng, rực rỡ sắc màu. Đa số tranh Graffiti là tranh chữ về nghệ danh, hoặc thông điệp hay lời chia sẻ mà người vẽ muốn gửi gắm đến số đông.
Vì sao lại vẽ tranh trên đường phố?
Có khá nhiều nguyên nhân lý giải cho sự xuất hiện của Graffiti. Các nhà khảo cổ học từng phát hiện nhiều bức tranh vẽ thô sơ trên nền hang động đá. Điển hình như tranh vẽ 30.000 năm tuổi tại hang động Chauvet (Pháp) mô phỏng ngẫu hứng hình động vật, con người. Tại thành phố Pompeii (La Mã cổ đại), nhiều tàn tích về những bức hình nguệch ngoạc vẽ trên tường bao thành phố cũng xuất hiện. Có thể thấy vẽ tranh tại khu vực đông người, nơi nhiều người qua lại đã ra đời từ rất lâu, giống như một nhu cầu rất bản năng và sơ khai của con người vậy.
Graffiti thực sự bùng nổ và được biết đến rộng rãi vào khoảng thập niên 60 và 70 thế kỷ trước, bắt nguồn từ các thành phố lớn của Mỹ. Được biết đây là thời kỳ khá phức tạp của đất nước rộng lớn này, với nhiều tệ nạn xã hội và nạn phân biệt chủng tộc diễn ra. Tranh Graffiti xuất hiện dày đặc ở nhiều nơi với nhiều câu chữ và hình vẽ nổi loạn. Hầu hết trong số đó thể hiện tiếng nói cá nhân của người vẽ về cuộc sống và những bất công thời đại.
Phân tích từ hoàn cảnh và nội dung của phần lớn tranh Graffiti, dễ thấy tranh xuất hiện đến từ nhu cầu được thể hiện cá tính và tiếng nói của bản thân. Vì nhiều lý do khác nhau, những cá nhân vẽ tranh Graffiti không muốn để lộ thân phận. Họ chọn cách thể hiện ấn tượng và có phần nổi loạn nhất để ghi lại dấu ấn cá nhân của mình. Trong nhiều trường hợp, Graffiti giống như một hình thức để chia sẻ thông điệp đến cộng đồng, kêu gọi một hành động chung về một vấn đề gây nhức nhối. Nhiều tình huống khác, Graffiti đơn giản là một trò … nghịch ngợm của một nhóm hoặc cá nhân.
Xem thêm: Mặt trái của Graffiti: nghệ thuật hay là phá hoại?
Các phong cách vẽ tranh Graffiti
Tưởng rằng Graffiti chỉ là một trào lưu vẽ ngẫu hứng, nhưng đây lại là môn nghệ thuật với nhiều phong cách riêng biệt. Từng phong cách của Graffiti mang nét đặc trưng riêng và thậm chí còn trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà sáng tạo, các nghệ sĩ.
Gắn thẻ (Tag)
Gắn thẻ là phong cách đơn giản với nội dung chỉ là nghệ danh, hay biệt danh tiêu biểu của người vẽ. Thẻ hay Tag vẽ chính là bức tranh, giống như một cách đánh dấu về những nơi mà người vẽ xuất hiện.
Throw-up
Throw-up giống như một phiên bản biến tấu hơn của Tag. Bức tranh vẫn ở dạng chữ nhưng to và nhiều chữ cái hơn. Các chữ cái thường ở hình dạng tròn trịa, khá dễ vẽ.
Wildstyle
Wildstyle cũng là tranh Graffiti dạng chữ nhưng đường nét không mềm mại như Throw-up. Đúng như tên gọi, các tranh Wildstyle có phần “hoang dã” hơn vì nét chữ gai góc, nhọn và thêm nhiều chi tiết phức tạp hơn. Các chữ cái được phá cách với các đường gai nhọn, mũi tên cầu kỳ và nhiều khi khá khó đọc. Cách vẽ Wildstyle rất phức tạp nên phù hợp với người vẽ Graffiti nhiều kinh nghiệm hơn.
Blockbuster
Tranh Blockbuster đặc trưng bởi những chữ cái lớn, đường viền dày dặn và có hình khối đơn giản. Những tranh này cũng thường xuất hiện trên bề mặt lớn, rộng, với màu sắc táo bạo nên rất nổi bật tại các khu vực công cộng.
Bubbles
Tranh vẽ Bubbles bao gồm các chữ cái to tròn, nằm chồng lên nhau giống như các hình bong bóng tan chảy. Những màu sắc trong tranh thường là màu đối lập, phổ biến nhất là tranh hai màu.
Tranh 3D
Phát triển theo dòng chảy xu hướng chung, các tranh Graffiti hiện nay cũng xuất hiện thêm phong cách 3D hiện đại và sống động. Với phong cách này, chữ và chi tiết trong tranh được minh họa theo mô hình 3 chiều không gian nên cực kỳ sống động và phá cách.
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa
Lời kết
Dẫu cho gặp nhiều tranh cãi về cách thức xuất hiện tại những không gian đường phố, tranh Graffiti vẫn là một hình thức nghệ thuật thú vị và rất đáng tham khảo. Những chất liệu trong tranh Graffiti hoàn toàn có thể được sử dụng trong nhiều sản phẩm sáng tạo và nghệ thuật như thiết kế, hội họa chuyên nghiệp. Bạn nghĩ sao về loại hình độc đáo này? Hãy cùng chia sẻ thêm với Master Media nhé!