
Học vẽ Sketch hiệu quả nhờ kỹ thuật Perspective Grid
Có bao giờ bạn tò mò về cách các nhà thiết kế tạo ra những bức vẽ Sketch 2D, 3D siêu đẹp và nhìn như thật? Một trong những kỹ thuật giúp thiết kế tạo Sketch nhanh chóng chính là Perspective Grid. Hãy cùng tìm hiểu thêm về kỹ thuật này qua bài viết sau của Master Media nhé.
Perspective Grid và các khái niệm liên quan
Perspective Grid là gì?
Perspective Grid giống như một bảng vẽ trên giấy hoặc phần mềm, được tạo thành từ các đường đan xen và điểm tọa độ nhất định. Dựa vào những đường và điểm trên, người thiết kế sẽ xác định vị trí các chi tiết cần vẽ, từ đó phác thảo và hoàn thiện chúng. Nhờ kỹ thuật này mà Designer dễ dàng sắp xếp bố cục hình vẽ hơn, không còn thấy mơ hồ vì cứ phải vẽ vào một khoảng không gian vô định.
Những thành phần chính của Perspective Grid bao gồm: Horizon line, Orthogonal grid lines, Vanishing point, và Plane.
Horizon Line (Đường chân trời)
Horizon Line là đường nằm ngang với tầm mắt của bạn. Đường chân trời có thể nằm ngang tầm mắt, thấp hơn hoặc cao hơn, tùy vào hướng nhìn của bạn.
Orthogonal Lines (Các đường trục giao)
Orthogonal Lines, còn được gọi là những Perspective Lines. Đây là những đường kẻ xuất hiện trong khung hình, xuất phát từ các điểm Vanishing Point và tỏa ra xung quanh. Những đường Orthogonal Lines giao nhau sẽ tạo ra các điểm cắt nhất định, là cơ sở để xác định vị trí của một chi tiết cần Sketch.
Vanishing Point (Điểm biến mất)
Đây là những điểm xuất phát của tất cả các đường Orthogonal Lines trong khung hình vẽ. Một hình vẽ sẽ có một hoặc nhiều điểm Vanishing Point. Số điểm càng nhiều thì chi tiết vẽ càng đa dạng, đa chiều, và phức tạp hơn. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về 3 kỹ thuật vẽ tương ứng với số điểm Vanishing Point: 1-Point Perspective, 2-Point Perspective, 3-Point Perspective.
Plane (Khung hình)
Có thể Plane giống như một bề mặt tái hiện hình ảnh ở một góc độ mà mắt ta nhìn thấy. Khi nhìn đối diện ta có Plane ở góc đối diện. Tương tự với góc nhìn từ bên trái, bên phải, từ dưới lên, hay trên xuống. Một hình vẽ Sketch có thể chứa nhiều Plane, tương ứng với tính đa chiều và độ phức tạp của hình vẽ.
Các kỹ thuật Perspective Grid
Học vẽ Sketch với kỹ thuật 1-Point Perspective Grid
1-Point Perspective Grid là kỹ thuật bao gồm 1 đường Horizon Line, 1 điểm Vanishing Point. Điểm Vanishing Point nằm trên đường Horizon Line. Từ điểm này bạn bắt đầu tạo ra các đường kẻ Orthogonal Lines tỏa ra nhiều hướng.
Cách tạo hệ thống 1-Point Perspective Grid
Đầu tiên, bạn tạo 1 đường Horizon Line trên bề mặt giấy hoặc trên phần mềm máy. Chấm một điểm làm Vanishing Point trên đường Horizon Line. Tạo một khung vẽ bao quanh, sau đó tạo các đường kẻ Orthogonal Lines xuất phát từ viền khung hướng về Vanishing Point.
Đây là khung hình đơn giản nhất trong kỹ thuật Perspective Grid. Tất cả các hình vẽ chỉ ở một góc nhìn. Bạn có thể xác định các chi tiết cần vẽ dựa trên các đường Orthogonal Lines. Mỗi chi tiết sẽ chiếm mấy đường Orthogonal Lines, cách nhau bao nhiêu đường? Từ đây bạn dần sắp xếp vị trí của các vị trí trong hình Sketch và có được bố cục toàn bức vẽ.
Học vẽ Sketch với kỹ thuật 2-Point Perspective Grid
2-Point Perspective Grid là kỹ thuật vẽ rất phổ biến trong thiết kế và vẽ minh họa. Kỹ thuật này cho phép tạo dựng hình ảnh ở 2 chiều bề mặt, qua đó vừa tạo tính đa chiều mà không quá phức tạp như kỹ thuật 3-Point. Điểm cần lưu ý là kỹ thuật này sẽ loại bỏ góc nhìn trực diện hay đối diện với hình ảnh. Ta chỉ xét đến 2 góc nhìn tương ứng với 2 bề mặt từ trái và từ phải sang.
Cách tạo hệ thống 2-Point Perspective Grid
Tạo 1 đường Horizon Line, hai điểm Vanishing Point nằm trên đường. Mỗi điểm Vanishing Point lại bao gồm những đường Orthogonal Lines. Những đường Orthogonal Lines của hai điểm Vanishing Point giao thoa nhau tạo thành hệ thống 2-Point đa chiều.
Cách vẽ trong hệ thống 2-Point
Dưới đây là cách vẽ tòa nhà hoặc công trình kiến trúc trong hệ thống 2-Point, qua đó giúp bạn hiểu hơn về cách áp dụng kỹ thuật này.
Tạo một đường thẳng trong khung hình. Từ mỗi đầu của đường thẳng, vẽ 1 đường Orthogonal line nối với 2 điểm Vanishing Point. Tạo thêm các đường thẳng hoặc đường vẽ để tạo hình chi tiết cần vẽ, xóa bỏ các nét vẽ thừa. Bạn có khung hình cơ bản của một tòa nhà. Thêm thắt các chi tiết khác để hoàn thiện bức vẽ của bạn.




Nếu muốn vẽ một công trình phức tạp, bạn có thể lặp lại các thao tác trên. Xóa bỏ những chi tiết thừa, bạn sẽ tạo ra bố cục chung của công trình cần tạo hình nhờ kỹ thuật 2-Point Perspective Grid.
Học vẽ Sketch với kỹ thuật 3-Point Perspective Grid
Hãy thử hình dung bạn cần vẽ một chiếc máy bay ở trên trời, hoặc một tàu ngầm lặn dưới nước, hay đơn giản hơn một tòa nhà nhìn từ trên cao xuống… Những vật thể trên có thể được quan sát theo nhiều góc nhìn khác nhau, ít nhất là 3: từ trái sang, từ phải sang và từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Những vật thể hoặc khung cảnh như thế này sẽ cần mô phỏng qua kỹ thuật 3-Point Perspective Grid.
Cách tạo hệ thống 3-Point Perspective Grid
Trước tiên, vẫn là vẽ một đường Horizon Line. Sau đó bạn tạo 2 điểm Vanishing Point nằm trên Horizon Line và 1 điểm ở trên hoặc dưới đường này, tùy vào góc nhìn của bạn là từ trên cao xuống hay từ dưới lên.Tạo các đường Orthogonal Line cho mỗi điểm Vanishing Point. Từ đây bạn có hệ thống 3-Point cần thiết.
Cách vẽ hình trong Hệ thống 3-Point
Bạn có thể tham khảo hình vẽ cơ bản dưới đây để hình dung về cách sử dụng hệ thống 3-Point trong vẽ Sketch.
Tạo một điểm chấm bất kỳ trong khung hình, điểm này không trùng lặp với 3 điểm Vanishing Point. Nối điểm này với 3 điểm Vanishing Point, tạo thành 2 đường Orthogonal Line kẻ đậm. Sau đó tạo một điểm chấm thứ 2 trên một đường Orthogonal Line kẻ đậm bất kỳ. Sau đó nối điểm này với 2 điểm Vanishing Point còn lại. Lần lượt, bạn tạo một điểm chấm thứ 3, thứ 4 trên hai đường Orthogonal Line còn lại và nối với 2 điểm Vanishing Point đối diện nhằm tạo ra các đường kẻ đậm khác. Xóa bớt các chi tiết không cần thiết, giờ đây bạn đã có hình vẽ một khối trụ trong bối cảnh đa chiều, cụ thể là 3 góc nhìn khác nhau.





Bạn có thể áp dụng kỹ thuật này để tạo ra các hình vẽ tương tự trong khung hình trên. Từ đó tạo ra một bức tranh phác thảo có bố cục tổng thể và rõ ràng hơn. Tương tự bạn có thể vẽ hình trụ, thậm chí phức tạp hơn là người hoặc nhân vật trong khung hình.
Tạm kết
Trên đây là tổng hợp những điều cần biết và các bước cơ bản để áp dụng Perspective Grid trong vẽ Sketch. Bạn đã nắm được bao nhiều phần trăm kiến thức về kỹ thuật này? Perspective Grid đã được rất nhiều Designer áp dụng hiệu quả trong các thiết kế chuyên nghiệp. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về kỹ thuật trên và phần nào biết cách sử dụng cho các sản phẩm tương lai của mình. Chúc bạn thành công!