Hướng dẫn cách đăng ký nguyện vọng thi đại học dễ trúng tuyển
Đăng ký nguyện vọng thi đại học là quy trình vô cùng quan trọng trong kỳ tuyển sinh. Với quy trình này, thí sinh biết cách chọn ngành, chọn trường và sắp xếp thứ tự nguyện vọng, sẽ có tỉ lệ trúng tuyển càng cao. Bạn đã biết cách đăng ký chưa? Nếu chưa hãy cùng Master Media tham khảo hướng dẫn cách đăng ký sau với Master Media nhé!
Vì sao chúng ta cần nghiên cứu cách đăng ký nguyện vọng thi?
Trong vài năm gần đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã triển khai hình thức tuyển sinh đại học trực tuyến 100%. Qua đó các thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng thi đại học trên website hỗ trợ của Bộ GD-ĐT hoặc Cổng dịch vụ Công Quốc gia. Phương thức này cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, thêm cơ hội trúng tuyển và giản lược các quy trình về sau.
Hình thức đăng ký tuyển sinh trên đã dẫn đến thay đổi về quy định trúng tuyển theo nguyện vọng. Thí sinh không bị giới hạn về số nguyện vọng đăng ký. Bạn có thể đăng ký với hàng chục lựa chọn trường và chuyên ngành tùy ý. Tuy nhiên, quy định xét trúng tuyển mới sẽ thay đổi như sau:
Thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Khi các trường công bố điểm, hệ thống sẽ tự động xét duyệt từ nguyện vọng cao nhất đến thấp nhất, hay từ nguyện vọng 1, đến 2, 3, 4….tới nguyện vọng cuối cùng trong danh sách bạn đã đăng ký. Hệ thống sẽ dừng lại cho đến khi bạn có một nguyện vọng trúng tuyển. Cần lưu ý là hệ thống chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Các nguyện vọng có thứ tự sau đó sẽ bị vô hiệu hóa, và bạn không được phép đổi dù điểm có cao hơn.
Ví dụ bạn trượt nguyện vọng 1 và 2, trúng tuyển ở nguyện vọng 3. Như vậy các nguyện vọng từ 4 đến hết danh sách đều không còn tác dụng. Mặc dù bạn thích nguyện vọng 4 hơn và điểm của bạn cũng đủ vào nguyện vọng đó, bạn cũng không thể đổi.
Dễ thấy với thay đổi trên thì thí sinh có thêm nhiều lựa chọn nhưng cần cẩn trọng và thông minh hơn trong việc sắp xếp thứ tự các nguyện vọng. Bạn không nên chơi an toàn bằng cách đặt những nguyện vọng điểm thấp lên đầu. Bạn cũng khó mà xếp các nguyện vọng cao lên trên vì chúng có thể giảm cơ hội trúng tuyển. Nếu vậy, chúng ta nên đăng ký nguyện vọng thi đại học như thế nào?
Hướng dẫn cách đăng ký nguyện vọng thi đại học dễ trúng tuyển
Bước 1: Tạo danh sách trường và ngành
Đầu tiên, bạn nên tạo 1 bảng danh sách những trường và chuyên ngành bạn quan tâm. Bạn có thể lựa chọn theo các tiêu chí: sở thích, năng lực, điểm thi từ các năm trước, cơ hội việc làm, sự phù hợp về tính cách, học phí…
Bước 2: Chọn lọc danh sách
Chọn lọc từ 5 – 10 trường bạn thấy phù hợp nhất với tất cả các tiêu chí của bản thân. Chú ý nên ưu tiên những trường có điểm chuẩn năm trước gần với điểm thi của bạn. Bạn có thể dùng điểm từ các đợt thi thử tại trường, lớp học hoặc tự học.
Bước 3: Sắp xếp thứ tự các nguyện vọng.
Sắp xếp thứ tự cho các trường và ngành trong danh sách còn lại. Lưu ý nên đặt những trường/ ngành mà bạn thích nhất cho nguyện vọng 1. Xét về khả năng đỗ, những trường này không nên có điểm chuẩn năm trước cao hơn 3 điểm so với điểm thi thử của bạn. Dĩ nhiên bạn hoàn toàn có thể chọn các trường có điểm chuẩn cao hơn 4 điểm so với điểm của bạn. Tuy nhiên đó là một lựa chọn khá rủi ro. Bạn cần đảm bảo rằng mình có đủ thời gian và kế hoạch chi tiết, hợp lý cho việc chạy nước rút.
Với các nguyện vọng sau đó, bạn có thể sắp xếp theo mức độ giảm dần về sự hứng thú. Những trường/ngành bạn thích và có điểm vừa khít điểm thi thử của bạn nên đặt ở nguyện vọng 2 và 3. Các nguyện vọng 4 về sau sẽ là những back-up trong trường hợp bạn trượt nguyện vọng 1, 2, 3.
Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký nguyện vọng thi Đại học
Những lưu ý khác để đăng ký nguyện vọng dễ trúng tuyển
Ngoài các bước thực hiện đăng ký như trên, bạn có thể tham khảo một số bí kíp sau để tăng khả năng trúng tuyển cho bản thân:
- Không nên chỉ đăng ký một vài nguyện vọng vì sẽ giảm cơ hội trúng tuyển.
- Không nên đặt tất cả nguyện vọng chỉ vào nhóm các trường/ngành có mức độ cạnh tranh quá cao và điểm gần ngang nhau. Nếu bạn trượt một trường này thì khả năng cao bạn vẫn bị loại ở trường khác.
- Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, rất lãng phí và dễ bị nhầm lẫn.
- Nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường Top đầu, Top trung và Top cuối. Nhờ vậy các bạn dễ đánh giá khả năng trúng tuyển, cơ hội trúng tuyển cũng cao hơn rất nhiều.