Màu đơn sắc là gì? Hướng dẫn sử dụng màu đơn sắc trong thiết kế đồ họa
Thêm một ý tưởng sáng tạo cho các nhà thiết kế đồ họa, đó chính là Monochrome hay hiệu ứng màu đơn sắc. Sử dụng màu đơn sắc có thể cho bạn nhiều sản phẩm hiệu quả, nhất là với thiết kế nhận diện thương hiệu. Trong bài viết sau đây, Master Media sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về cách sử dụng màu đơn sắc trong thiết kế.
Màu đơn sắc là gì?
Hiệu ứng màu đơn sắc có tên tiếng Anh là Monochrome, nói đến việc sử dụng một màu sắc duy nhất trong thiết kế. Cụ thể hơn, bạn chọn một màu sắc gốc hay màu sắc cơ bản. Sau đó bạn biến màu này thành nhiều phiên bản nhưng chỉ khác nhau ở độ sáng, độ tối, độ bão hòa… chứ không biến thành một màu khác. Từ đó bạn sẽ dùng màu gốc và các phiên bản màu trong sản phẩm sao cho phù hợp với các ý tưởng thiết kế.
Tác dụng của màu đơn sắc trong thiết kế đồ họa
Thoạt nghe qua nhiều người có thể nghĩ rằng việc sử dụng đúng một màu sắc dễ khiến thiết kế trở nên đơn điệu, nhàm chán. Tuy nhiên bạn có biết rằng Monochrome đã xuất hiện từ lâu và đặc biệt thịnh hành kể từ khi xu hướng thiết kế tối giản lên ngôi? Thiết kế tối giản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng nghĩa với tiềm năng của Monochrome. Kể cả khi thế giới không còn ưa chuộng thiết kế tối giản thì hiệu ứng màu đơn sắc vẫn có thể phát triển với những lợi thế sau đây.
Thứ nhất, màu đơn sắc dễ dàng tạo hiệu ứng đồng nhất khi thiết kế bộ nhận diện thương hiệu. Một bộ nhận diện tiêu biểu sẽ bao gồm rất nhiều thành phần như logo, thiết kế website, bao bì sản phẩm, đồ dùng văn phòng, thiết kế quảng cáo (poster, tờ rơi, catalogue…) Dùng nhiều màu sắc dễ khiến Designer gặp bài toán khó để đồng bộ các màu này cho mọi sản phẩm. Với màu đơn sắc thì bài toán này đơn giản hơn rất nhiều.
Thứ hai, Monochrome có thể tạo điểm nhấn hiệu quả từ chính “tính đơn điệu” của mình. Việc dùng một màu duy nhất đã là điểm khác biệt so với những thiết kế kết hợp 2-5 màu sắc khác nhau. Nhờ vậy mà thiết kế càng dễ nổi bật và mới lạ hơn với người xem.
Thứ ba, hiệu ứng màu đơn sắc sẽ giúp nhà thiết kế tạo điểm nhấn cho những yếu tố quan trọng khác như chữ, hình ảnh. Hiệu ứng này không có quá nhiều màu sắc, có thể được tận dụng làm phông nền hiệu quả cho các chi tiết quan trọng hơn được nổi bật mà không mất quá nhiều công sức.
Cuối cùng, Monochrome rất phù hợp với một số thương hiệu với nét đặc trưng riêng. Thường là những thương hiệu cao cấp chú trọng sự tối giản, tinh tế, không quá nhiều màu mè. Bạn có thể liên tưởng đến những nhãn hàng thời trang cao cấp đều sử dụng rất ít và gần như chỉ một màu duy nhất cho mọi thiết kế thương hiệu.
Xem thêm: Tìm hiểu tổng quan về sử dụng màu sắc trong thiết kế
Cách dùng màu đơn sắc trong thiết kế đồ họa
Bước 1: Chọn màu cơ bản (màu gốc)
Đây là công đoạn quan trọng nhất khi sử dụng Monochrome trong thiết kế. Màu cơ bản sẽ quyết định toàn bộ màu sắc cho một hoặc nhiều sản phẩm thiết kế mà bạn thực hiện. Bạn có thể cân nhắc chọn màu theo loại hình sản phẩm.
Nếu đó là sản phẩm đơn lẻ, ví dụ như 1 poster, 1 tờ rơi bất kỳ hoặc thiết kế cho 1 cá nhân thì bạn có thể chọn màu theo sở thích của cá nhân đó, hoặc 1 màu thuộc bộ màu nhận diện cho thương hiệu ấy. Ví dụ một thương hiệu có bộ màu nhận diện là cam, đen, xám và xanh lá, bạn có thể thiết kế 1 poster chỉ với 1 màu cam.
Nếu bạn cần thiết kế nhiều sản phẩm, ví dụ như một chiến dịch marketing quan trọng gồm một bộ poster, banner, tờ rơi hoặc cả một bộ nhận diện thương hiệu, bạn sẽ cần chọn màu cơ bản phù hợp với cá tính và thông điệp của thương hiệu ấy. Thông thường các thiết kế theo bộ này ít sử dụng Monochrome, trừ khi đó là ý đồ của thương hiệu hoặc Designer có ý tưởng sẵn và đảm bảo tính thành công.
Bước 2: Tạo các phiên bản màu đơn sắc
Việc tạo ra các phiên bản khác nhau của màu đơn sắc không quá phức tạp. Bạn có thể thay đổi một hoặc nhiều yếu tố sau để tạo ra các phiên bản phù hợp.
- Hue: chính là màu cơ bản hay màu gốc, màu gốc không được phép thay đổi khi thiết kế;
- Tints (độ nhạt): là các màu sáng hơn so với bản gốc, được tạo ra bằng cách pha thêm màu trắng với màu gốc;
- Shades (độ tối): là những màu tối hơn so với bản gốc, được tạo ra bằng cách pha thêm màu đen với màu gốc;
- Tones (tông màu): là những phiên bản màu được tạo ra bằng cách pha màu gốc và màu xám. Cách pha màu này không làm thay đổi màu gốc mà tạo các phiên bản mới có chiều sâu hơn.
Bước 3: Lên ý tưởng thiết kế
Bước tiếp theo bạn cần lên ý tưởng về nội dung, bố cục và các yếu tố cần lựa chọn cho sản phẩm cần thực hiện. Điều quan trọng khi lên ý tưởng là tận dụng thế mạnh của màu đơn sắc và hạn chế nhược điểm của hiệu ứng này. Thế mạnh của màu đơn sắc chính là tính đơn giản, dễ đồng bộ, dễ tạo điểm nhấn cho các chi tiết khác. Tuy nhiên hạn chế là có thể gây đơn điệu nếu thiếu đi chi tiết tạo điểm nhấn. Một số gợi ý là bạn có thể tạo các chi tiết nổi bật ở hình ảnh hoặc kết cấu chi tiết trong thiết kế. Ví dụ các hình ảnh độc lạ gây chú ý, hoặc các chi tiết có bề mặt chất liệu lạ lẫm cũng thường được sử dụng cho các thiết kế Monochrome.
Bước 4: Thực hiện và hoàn thiện
Cũng giống nhiều ý tưởng khác, bạn sẽ cần triển khai ý tưởng về Monochrome để xem tính hiệu quả ra sao. Song hành cùng đó là các bước chỉnh sửa và hoàn thiện theo yêu cầu từ khách hàng, hay thậm chí từ chính bạn.
Xem thêm: Học thiết kế đồ họa
Lời kết
Monochrome đã, đang, và sẽ là hiệu ứng được ứng dụng phổ biến trong thiết kế. Nếu theo đuổi về thiết kế đồ họa, chắc hẳn bạn không muốn bỏ sót hiệu ứng thiết kế này đúng không nào. Hãy chia sẻ thêm với Master Media về những hiệu ứng thiết kế thú vị mà bạn biết đến nhé. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin có ích cho bạn.