Những sai lầm thường gặp ở các “tân binh” thiết kế
Bạn là tân binh làm thiết kế mới tròn vài năm, thậm chí vài tháng? Chắc hẳn bạn đã và đang có nhiều bỡ ngỡ và muốn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm có ích cho bản thân. Thực tế thì ai mới vào nghề đều khó tránh sai lầm. Dưới đây là những sai lầm mà các tân binh thiết kế dễ mắc phải nhất. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn nhận thức và hạn chế tối đa những sai lầm này trong công việc của mình.
Sao chép phong cách của người khác
Đa số thiết kế mới vào nghề đều chưa xác định được phong cách đặc trưng của mình. Cách thức dễ nhất và quen thuộc nhất để các bạn học thiết kế là bắt chước theo phong cách của người khác. Bất cứ phong cách nào các bạn yêu thích và bị thu hút. Đây không phải cách xấu, học hỏi những điều hay luôn là việc nên được khuyến khích. Tuy nhiên việc “học hỏi” này nếu không biết điểm dừng sẽ biến tướng thành sao chép, thậm chí ăn cắp ý tưởng. Ví dụ bạn thấy một bức tranh đẹp và bạn vẽ một bức gần giống cho vào thiết kế của mình và tự nhận mình đã nghĩ ra ý tưởng cho bức tranh đó. Điều này đặc biệt cấm kỵ trong thiết kế nói riêng và ngành sáng tạo nói chung.
Không đặt ra ranh giới với khách hàng
Tâm lý chung của các tân binh mới làm thiết kế là khá sợ khách. Các bạn lo rằng phật ý khách sẽ khiến họ thay đổi quan điểm và không muốn hợp tác với bạn nữa. Các bạn sẵn sàng làm theo yêu cầu của khách, dù cho không phải yêu cầu nào cũng hợp lý. Tâm lý này chắc chắn sẽ mang đến những bất lợi cho các tân binh. Các bạn có thể bị khách lợi dụng, nhiều khi rước thêm việc vào người.
Để tránh điều này, bạn nên vạch rõ ranh giới với khách hàng. Hãy khéo léo cho họ biết bạn sẵn lòng chiều ý họ trong một chừng mực nhất định. Bạn có thể nói không với những cuộc gọi của họ vào thời gian oái oăm. Hoặc từ chối đáp ứng những yêu cầu vô lý về mặt chuyên môn thiết kế bằng cách tư vấn lại cho họ… Học cách nói không với khách không hề dễ nhưng là việc cần thiết nên làm để bảo vệ bản thân bạn cũng như mang đến chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Không thực sự tiếp thu góp ý
Một sai lầm khá mâu thuẫn với tiêu đề trên. Khác với nhiều bạn trẻ quá chiều khách, chúng ta cũng không thiếu trường hợp “ngó lơ” với góp ý từ khách hàng. Không phải khách hàng nào cũng xấu và vô lý. Nhiều khách hàng là đại diện phòng truyền thông, phòng marketing, những người rất có gu thẩm mỹ tốt, chưa kể đến việc họ hiểu rõ về thương hiệu của mình. Với những nền tảng đó, họ sẽ đưa ra những góp ý để bạn hiểu hơn về yêu cầu của họ và chỉnh sửa thiết kế sao cho phù hợp. Tuy nhiên, khá nhiều “tân binh” thiết kế vẫn giữ cái tôi nhất định, cho rằng góp ý của khách là không hợp lý và không thực sự tiếp thu. Đây là một tâm lý rất nguy hiểm. Tâm lý này khiến các bạn trở nên bảo thủ, không biết lắng nghe để hiểu vấn đề của mình, từ đó khắc phục và phát triển hơn. Nếu bạn thấy bóng dáng mình trong đó, hãy thử thay đổi bằng cách cố gắng thấu hiểu góc nhìn của khách hàng hơn. Bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều cần học hỏi.
Mắc phải lỗi thiết kế cơ bản
Có thể bạn không tin, những sẽ có lúc bạn dùng một hình ảnh bị vỡ nét do độ phân giải thấp. Hoặc bạn quên không chuyển đổi hệ màu phù hợp cho thiết kế của mình. Hoặc bạn kéo giãn hình quá đà khiến hình bị méo… Những lỗi tưởng chừng chỉ có dân không chuyên mới gặp lại rất thường thấy ở người làm thiết kế chuyên nghiệp, đặc biệt là các bạn mới vào nghề. Lý do thì vô vàn. Có bạn quá tập trung vào ý tưởng mà quên đi các yếu tố cơ bản. Có bạn bị deadline dí, làm vội quá thành làm ẩu. Dù lý do là gì thì những lỗi cơ bản này đều không thể chấp nhận ở một người thiết kế chuyên nghiệp.
Không tự định giá được sản phẩm
Một sai lầm, cũng là khó khăn, của không ít thiết kế mới vào nghề là không tự định giá được sản phẩm của bản thân. Nhiều bạn tự ti nên báo giá thấp, không ít bạn lại tự tin quá hét giá trên trời với khách. Dù thế nào bạn rất cần đầu tư thời gian để khảo sát, nghiên cứu giá thiết kế trên thị trường. Nhờ vậy bạn sẽ có thêm thông tin và biết cách tự định giá sản phẩm của bản thân.
Chưa thực sự đầu tư vào Portfolio
Không phải tự nhiên mà các nhà thiết kế chuyên nghiệp luôn dành thời gian để cập nhật Portfolio cá nhân. Công cụ này chính là “cần câu cơm” tự nhiên của các designer. Bạn không biết được những ai sẽ ngắm nhìn Portfolio của mình trên Behance, hay Youtube, hay đơn giản một vài bài đăng bạn để trên Facebook, Tiktok. Rất có thể một vài người trong số đó sẽ là những khách hàng tiềm năng. Các khách hàng thường hay tìm đối tác thiết kế bằng cách đi ngắm “dạo” Portfolio. Vậy nếu Portfolio của bạn sơ sài, không hay cập nhật sản phẩm mới, liệu bạn có thể thu hút ai mang job đến cho mình?
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa
Tạm kết
Trên đây là những sai lầm phổ biến nhất với những người mới làm thiết kế. Bạn có thấy bóng dáng mình đâu đó trong bài viết này? Nếu có thì cũng không sao cả, điều quan trọng là bạn đã khắc phục được bao nhiêu và đã học hỏi được những điều gì cho mình. Làm thiết kế là một con đường dài, khó tránh sai lầm nhưng cũng hứa hẹn nhiều thú vị. Hy vọng bài viết của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!