Sử dụng Geometric Pattern – Họa tiết hình khối trong thiết kế
Geometric Pattern không phải cái tên xa lạ trong thiết kế nói riêng và giới sáng tạo nói chung. Dù vậy làm sao để sử dụng hiệu quả những họa tiết độc đáo này vẫn là bài toán khó với không ít nhà sáng tạo trẻ. Hiểu biết về các loại hình Geometric Pattern, ứng dụng của chúng sẽ phần nào giúp bạn giải quyết bài toán trên. Hãy cùng tìm hiểu với Master Media nhé!
Định nghĩa về Geometric Pattern
Geometric Pattern (Họa tiết hình khối) còn có tên gọi Neo-Geometric, viết tắt Neo-Geo, một dạng họa tiết được tạo thành từ những khối hình học cơ bản sắp xếp theo trật tự nhất định. Những khối hình theo trật tự này sẽ tạo ra một chuỗi họa tiết, trở thành chi tiết trang trí cho các sản phẩm thiết kế đồ họa, tranh vẽ, thiết kế nội thất, hay thời trang.
Các họa tiết Geometric dần xuất hiện vào thập niên 80 của thế kỷ trước tại Mỹ. Những họa tiết này được sử dụng phổ biến cho những phong cách ưa chuộng đương thời như phong cách tối giản (Minimalism), phong cách trừu tượng (Abstract Expressionism), văn hóa Pop Art, Op Art, Conceptual Art. Cho đến nay, Geometric Pattern vẫn chưa hề có dấu hiệu lỗi thời mà thậm chí còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều thiết kế đề cao tính phá cách.
Cách sử dụng Geometric Pattern trong thiết kế
Geometric Pattern được chia thành một số loại hình phổ biến. Nếu chưa quen thuộc với các họa tiết dạng hình khối này, bạn có thể tham khảo những loại phổ biến nhất và dùng thử cho các sản phẩm của mình. Dần dần bạn sẽ tìm được bí kíp áp dụng phù hợp nhất với phong cách bản thân.
Monochrome Pattern
Đây là dạng họa tiết sử dụng những hình khối đơn sắc trong thiết kế. Những họa tiết Monochrome này rất phù hợp với các Designer chuộng phong cách tối giản, hoặc cần tìm giải pháp cho những sản phẩm mang hơi hướng này. Các họa tiết Monochrome đặc biệt ở tính đơn sắc, chỉ sử dụng một màu duy nhất trong toàn bộ bảng họa tiết. Thoạt đầu trông có vẻ nhàm chán, nhưng thực tế đây chính là nét đặc biệt của bản thiết kế. Bên cạnh đó, bạn có thể đầu tư điểm nhấn vào hình dáng các hình khối sử dụng và trật tự sắp xếp chúng. Rất nhiều nhà thiết kế yêu thích tạo hình đã lựa chọn Monochrome Pattern là phong cách “ruột” tạo nên nét đặc trưng cho bản thân.
Phối cùng hình ảnh
Phối cùng hình ảnh là loại hình Geometric cực kỳ cá tính mà nhiều Designer đã thử sức. Hiểu đơn giản, thay vì chỉ dùng các hình khối tam giác, vuông, tròn với các màu đơn sắc hoặc màu sắc trơn đơn giản, tại sao ta không dùng cắt chúng từ hình ảnh và ghép nối lại để tạo nên những hiệu ứng đẹp mắt?
Mặc dù khá ấn tượng nhưng đây cũng là loại hình Geometric khá khó đối với người mới làm. Các Designer nên tham khảo và thử nghiệm kỹ trước khi sử dụng loại hình này trong thiết kế.
3D Geometric Pattern
Vẫn là những họa tiết hình khối cơ bản, nhưng thay vì thực hiện ở định dạng 2D ta có thể biến tấu sang định dạng hình ảnh 3D. Giữa dòng xu hướng tạo hình 3D chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, việc áp dụng 3D Geometric Pattern sẽ giúp bạn ghi điểm với các thương hiệu yêu thích tính thời thượng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là loại hình này khá kén sản phẩm và hơi khó để tạo hình. Các họa tiết dạng 3D sẽ phù hợp các dự án với mốc thời gian không quá gấp gáp.
Đối xứng và bất đối xứng
Đối xứng và bất đối xứng ám chỉ về cách sắp xếp họa tiết trên bề mặt thông qua một trục vô hình chia đôi bề mặt. Những họa tiết đối xứng sẽ được chia đều cho hai bên bề mặt và vị trí các chi tiết, họa tiết như nằm đối xứng nhau qua trục vô hình đó. Những sản phẩm đối xứng tạo cảm giác cân đối, trật tự, hài hòa, rất phù hợp với các thương hiệu tôn trọng tính truyền thống và nguyên tắc. Ngược lại, với họa tiết bất đối xứng, số lượng họa tiết và vị trí các chi tiết được sắp xếp ngẫu hứng hơn, không giống nhau ở hai bên trục vô hình. Điều này tạo ra sự đa dạng và độc đáo trong thiết kế.
Nên sử dụng Geometric Pattern cho sản phẩm nào?
Hiện nay không có giới hạn hay quy luật nào về việc sử dụng Geometric Pattern trong thiết kế. Cách dùng hoàn toàn tùy thuộc vào ý đồ của từng Designer với sản phẩm của mình. Tuy nhiên các họa tiết Geometric thường được sử dụng cho thiết kế giao diện website, ứng dụng trên điện thoại, thiết kế trang trí cho bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế bìa sách, lịch.
Riêng với thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, bạn nên tiết chế sử dụng họa tiết Geometric cả về số lượng và hình dáng họa tiết. Các thương hiệu hiện đại thường theo xu hướng phục vụ nhu cầu thẩm mỹ chung của đại chúng. Các họa tiết Geometric cá tính thường khá kén người. Nếu được sử dụng ở mức độ vừa phải, dạng họa tiết này sẽ không bị quá ngợp, vẫn giữ được nét cá tính mà hài hòa hơn với gu đại chúng.
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa
Tạm kết
Bạn nghĩ sao về Geometric Pattern? Liệu phong cách họa tiết này có quá khó để áp dụng trong các sản phẩm thiết kế? Hãy chia sẻ cảm nhận của mình cùng với Master Media nhé. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!