Thiết kế đồ họa: Chỉ Đẹp có là đủ?
Thành công của người làm Thiết kế đồ họa là tạo ra các sản phẩm đẹp mắt. Điều đó không sai, nhưng liệu có 100% chính xác. Đã bao giờ bạn thấy những thương hiệu cho ra mắt logo, hoặc một sản phẩm thiết kế bất kỳ gây tranh cãi về tính thẩm mỹ, nhưng họ vẫn sử dụng thiết kế đó trong một thời gian dài, thậm chí còn gặt hái thành công nhất định về doanh số? Vậy với ngành Thiết kế đồ họa, Đẹp có phải tiêu chí duy nhất và tối thượng? Ngoài Đẹp, còn có tiêu chí nào quan trọng không kém mà người làm Thiết kế nhất định cần lưu tâm? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau của Master Media nhé!
Dễ hiểu khi cho rằng Thiết kế đồ họa chỉ cần ĐẸP
Thiết kế đồ họa, hay Graphic Design, là lĩnh vực thuộc về nghệ thuật thị giác hay Visual Art. Nghệ thuật thị giác có thể hiểu đơn giản là Cái đẹp nghệ thuật mà chúng ta nhìn thấy được. Tiêu biểu như tranh vẽ, hình chụp từ máy ảnh, tượng điêu khắc… Những sản phẩm này được sinh ra để tạo ra cái đẹp. Càng đẹp mắt và thu hút người xem, sản phẩm mặc định là đã thành công. Tranh vẽ thì phải đẹp mới ấn tượng. Hình ảnh chụp được cũng cần đẹp mới khiến người khác thích thú. Tiêu chí tương tự được đặt ra cho tượng điêu khắc hoặc bất cứ sản phẩm nào thuộc về nghệ thuật thị giác. Các sản phẩm thiết kế đồ họa cũng không phải ngoại lệ.
Với bản chất như trên, không khó hiểu nếu bắt gặp những quan điểm rằng sản phẩm thiết kế phải thật WOW, phải đẹp mỹ mãn. Chỉ cần ĐẸP thôi là đã thành công và nhà thiết kế nên đặt tiêu chí này lên hàng đầu. Quan điểm này không hề sai, vì Thiết kế đồ họa là một lĩnh vực sáng tạo về thẩm mỹ. Đã thẩm mỹ thì đương nhiên cần đẹp rồi. Một thiết kế với bố cục lệch lạc, màu sắc không phù hợp, quá nhạt nhòa hoặc quá lộn xộn thì nắm chắc phần thất bại. Bất cứ một bản logo của thương hiệu nào mới ra mắt nếu không vừa mắt với nhãn quan số đông khả năng cao vấp phải tranh cãi.
ĐẸP đúng là một tiêu chí quan trọng không thể thiếu khi đánh giá một sản phẩm thiết kế. Tuy nhiên liệu đây có phải là tiêu chí duy nhất, quan trọng nhất? Đã bao giờ bạn thắc mắc một thương hiệu sử dụng một thiết kế logo khá nhạt nhòa trong suốt thời gian dài, và còn kinh doanh thuận lợi với thiết kế đó?
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa
Tiêu chí thứ 2 quan trọng không kém cái Đẹp
Nghề Thiết kế đồ họa, ngoài Đẹp, rất cần đạt một tiêu chí khác. Để hiểu rõ về tiêu chí này, chúng ta cần quay ngược về năm 2022 để phân tích một trường hợp thay đổi Logo rất nổi tiếng tại Việt Nam. Đó chính là “màn debut” Logo mới của thương hiệu MB.
MB (Military Bank) hay Ngân hàng Quân đội là một trong những thương hiệu ngân hàng lâu đời nhất tại Việt Nam. Đến năm 2022, MB đã thực hiện chiến dịch thay đổi Logo đại diện của thương hiệu. Một bước đi lớn về hình ảnh cho thấy sự nỗ lực của thương hiệu nhằm thích ứng với thị trường ngày một trẻ, hiện đại và nhiều biến động.
Logo mới của MB được tinh giản rất nhiều so với phiên bản cũ. Điển hình là việc cắt bỏ dòng chữ Ngân hàng Quân đội, và chữ MB được co gọn, chuyển sang tông màu xanh đậm tươi tắn và nổi bật hơn nhiều so với Logo trước đó. Tuy nhiên chi tiết nổi bật nhất là ngôi sao đỏ phía trên, đại diện cho hình ảnh đặc trưng của Quốc kỳ Việt Nam. Ngôi sao được tạo thành từ các họa tiết nhỏ sắp xếp cạnh nhau, tạo cảm giác ngẫu hứng và biến động.
Sự thay đổi lớn của MB Bank thực tế đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều. Chi tiết gây tranh cãi nhất đến từ hình ảnh ngôi sao đỏ trong Logo. Không ít quan điểm cho rằng ngôi sao này tạo cảm giác rối mắt, khó chịu, thậm chí tạo liên tưởng đến những chi tiết không mấy đẹp mắt khác.
Một thiết kế khi mới ra mắt đã gây tranh cãi về chuyện đẹp – xấu, chắc hẳn là có vấn đề về tính thẩm mỹ. Vì vậy có thể nói Logo mới của MB phần nào chưa đạt mục tiêu thẩm mỹ, ít nhất là từ gu cảm nhận của số đông.
Tuy nhiên, mặc dù gặp phải nhiều tranh cãi MB vẫn kiên quyết sử dụng Logo này cho đến nay. Và thực tế là hiện tại chẳng mấy ai còn nhớ về chuyện xấu đẹp của Logo MB ngày nào. Điều họ nhớ là một chiếc Logo có chữ MB, và ngôi sao đỏ “đặc biệt” kia, và sau cùng là nhớ về THƯƠNG HIỆU MB. Kết quả này đã giúp ích gì cho MB? Độ nhận diện thương hiệu “vô tình” tăng lên, nhất là với thế hệ trẻ vốn thích để ý những sự kiện lạ, những gì mới mẻ, trẻ trung và nhiều biến động. Đồng thời họ cũng truyền tải khéo léo thông điệp đặc trưng của thương hiệu trong giai đoạn này. Rằng chúng tôi là một ngân hàng lâu đời, nhưng đã có những thay đổi sao cho đơn giản, năng động, sẵn sàng thích ứng với mọi biến động từ thị trường.
Đến đây chắc phần nào bạn đã đoán ra tiêu chí thứ 2 quan trọng không kém cái Đẹp trong thiết kế đồ họa. Đó chính là hiệu quả truyền thông và truyền đạt được thông điệp của thương hiệu. Thương hiệu chính là khách hàng, người quyết định tài chính và công ăn việc làm của các nhà Thiết kế đồ họa. Tiêu chí của họ mới là tiêu chí quan trọng nhất. Đương nhiên họ muốn Thiết kế đẹp, nhưng điều quan trọng hơn họ cần Thiết kế đó thu hút sự chú ý và “nói khéo” với khách hàng những thông điệp từ thương hiệu trong một thời gian nhất định.
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa 3D
Tạm kết
Tùy vào chiến lược, thương hiệu có thể đặt tiêu chí ĐẸP hay THÔNG ĐIỆP cao hơn. Có thương hiệu đặt ĐẸP là tiêu chí hàng đầu, nhưng thương hiệu khác chỉ muốn tập trung vào tính thương hiệu. Một nhà thiết kế giỏi cần xác định được tính ưu tiên này, và tập trung vào điều mà khách hàng muốn nhất, hoặc thậm chí tư vấn để cuối cùng khách hàng có một sản phẩm ưng ý và hiệu quả. Hy vọng bài viết trên đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!