Tìm hiểu quy trình sản xuất VFX từ A đến Z
Hiệu ứng hình ảnh (VFX) là một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp giải trí hiện đại. Dù mỗi dự án sáng tạo mang một màu sắc riêng, quy trình sản xuất VFX vẫn tuân theo một khung sườn chung, giúp hiện thực hóa những ý tưởng độc đáo trên màn ảnh. Sau đây là quy trình sản xuất VFX từ A đến Z và được áp dụng khá phổ biến trong lĩnh vực này.
Giai đoạn tiền sản xuất
Đây là giai đoạn đầu của cả quá trình sản xuất VFX. Các công đoạn chủ yếu bao gồm tìm hiểu và nghiên cứu, lên kế hoạch cụ thể về cách triển khai ý tưởng VFX và mô phỏng các bản vẽ về VFX.
1/ Tìm hiểu, nghiên cứu và lên kế hoạch
Bước đầu tiên, đội ngũ quản lý dự án sẽ tìm hiểu và nghiên cứu về các yếu tố cần chuẩn bị cho dự án VFX của mình. Sau đó họ lên kế hoạch cụ thể về khung thời gian để chuẩn bị về nhân sự, phần mềm cần thiết, cũng như chi phí. Thực tế thì công đoạn này có thể được điều chỉnh trong suốt quy trình thực hiện.
2/ Vẽ ý tưởng và mô phỏng 3D cơ bản.
Các ý tưởng VFX ban đầu thường chỉ nằm trong … suy nghĩ của người nghĩ ra ý tưởng đó. Để cả một đội ngũ dễ hình dung và hiểu đúng, các ý tưởng sẽ được các họa sĩ chuyên môn vẽ mô phỏng lại.
Với một số dự án phức tạp, những bản vẽ này trên còn cần qua một bước hình họa khác trước khi bước vào giai đoạn sản xuất. Cụ thể các bản vẽ 2D sẽ được tạo hình thành mô hình 3D đơn giản trước, bao gồm các nhân vật và bản mô phỏng chính. Ngoài ra các yếu tố về góc quay, bố cục cảnh cũng được lên kế hoạch và mô phỏng dần.
Giai đoạn sản xuất
1/ Xây dựng mô hình 3D chi tiết
Bước vào giai đoạn sản xuất chính thức, bước đầu tiên các ý tưởng được tạo hình thành định dạng 3D một cách chi tiết nhất. Một đối tượng từ nhân vật, đồ vật, con vật… đều được xây dựng cẩn thận trên các phần mềm 3D chuyên nghiệp.
2/ Vẽ phông nền
Nếu như các đối tượng cá biệt như nhân vật, đồ vật, con vật… được mô phỏng 3D, khung cảnh trong VFX thường được xây dựng bằng nhiều phương pháp khác. Phổ biến là kỹ thuật vẽ phông nền hay còn gọi là matte painting. Người thực hiện sẽ dùng ảnh chụp và vẽ trên chất liệu phù hợp. Những dự án sử dụng công nghệ hiện đại có thể không thực hiện công đoạn này nữa, thay vào đó là dựng luôn bối cảnh bằng phần mềm 3D hoặc kỹ thuật phông nền xanh, hoặc kỹ thuật chroma key.
3/ Tạo chuyển động cho mô hình
Các mô hình 3D sau khi hoàn thiện sẽ được chuyển qua công đoạn tạo chuyển động. Đầu tiên, các mô hình được tạo lớp khung (Rigging), giống như một dạng khung xương trên cơ thể người. Lớp khung này là điểm tựa để tạo các khớp và điểm kết nối các đường liên kết đến từng bộ phận trên mô hình. Sau khi lớp khung hoàn thiện, các nghệ sĩ thực hiện bắt đầu tạo cử động và chuyển động cho các mô hình.
4/ Hiệu ứng và mô phỏng
Nhiều dự án VFX cần đến các hiệu ứng thực hiện trực tiếp trên phim trường như hiệu ứng cháy nổ, thiên tai… Kỹ thuật thường sử dụng là Hiệu ứng và mô phỏng, hay FX & Simulation. Trong đó những hiệu ứng này sẽ được tạo dựng trên phim trường và thực hiện đồng trong quá trình ghi hình. Sau đó các chuyên viên FX sẽ hoàn thiện thêm trên máy tính để hiệu ứng được đẹp mắt nhất.
5/ Motion Tracking
Một kỹ thuật khác cũng rất thường gặp trong quy trình sản xuất VFX là Motion Tracking. Kỹ thuật này sẽ gắn các điểm định vị trên cơ thể diễn viên, sau đó ghi lại chuyển động của họ qua các phần mềm và tích hợp dữ liệu. Nhờ vậy mà chuyên viên tạo kỹ xảo sẽ thực hiện mô phỏng các hình ảnh ảo trùng khớp với cơ thể và cử động của diễn viên, cũng đảm bảo hình ảnh ảo này ăn khớp với bối cảnh trong phim.
6/ Texturing
Texturing là công đoạn bổ sung các chi tiết trên bề mặt mô hình 3D nhằm tăng tính sống động và chân thực. Ví dụ như thêm họa tiết mô phỏng chất liệu, hoa văn của quần áo, hay sự thô ráp sù sì của bề mặt gỗ hay đá. Công đoạn này đòi hỏi độ chi tiết và tính kỹ thuật rất cao.
7/ Rotoscoping
Thêm một kỹ thuật ghép hình khác cũng rất phổ biến trong quy trình sản xuất VFX. Rotoscoping là dạng kỹ thuật vẽ viền bao quanh đối tượng chính nhằm tách biệt chúng ra khỏi cảnh quay gốc. Kỹ thuật này cho phép tạo đường cắt chính xác, liền mạch, khá ưu việt so với những kỹ thuật quay phông nền xanh hiện đại.
8/ Tạo sáng
Bước cuối của giai đoạn sản xuất VFX là tạo sáng. Những cảnh quay VFX khi hoàn thiện kỹ xảo về cơ bản vẫn cần chỉnh sáng. Các chuyên viên tạo sáng sẽ nghiên cứu từng phân cảnh, nguồn sáng, độ sáng tại các chi tiết để tạo ra ánh sáng phù hợp nhất.
Giai đoạn hậu kỳ
Giai đoạn hậu kỳ tập trung vào việc tổng hợp và hoàn thiện mọi yếu tố trong file VFX. Các công đoạn phổ biến trong giai đoạn này bao gồm:
1/ Compositing
Đây là công đoạn tổng hợp mọi yếu tố tạo thành kỹ xảo VFX và tích hợp vào cảnh quay thực tế. Các hiệu ứng được ghi lại từ mọi kỹ thuật như vẽ bối cảnh (matte painting), cảnh FX, các thông số CGI được kết hợp lại tạo thành từng lớp xếp chồng lên nhau. Mục đích cuối cùng là tạo ra phân cảnh ảo hoàn chỉnh, mượt mà sống động mà không bắt gặp lỗi kỹ thuật nào.
2/ Hiệu chỉnh màu sắc
Công đoạn cuối cùng để có cảnh phim như ý là điều chỉnh lại màu sắc trên phim. Các chuyên viên thực hiện sẽ điều chỉnh các yếu tố tạo màu như độ bão hòa, độ sáng, độ tương phản nhằm tạo ra tổng thể màu phim đúng ý đạo diễn nhất.
3/ Kết xuất sản phẩm
Bước cuối cùng, sau khi sản phẩm VFX đã được phê duyệt thì các chuyên viên sẽ tiến hành kết xuất tạo thành file hoàn chỉnh. File này cần đảm bảo chất lượng sắc nét, và trình chiếu được trên nhiều thiết bị cũng như nền tảng khác nhau.
Xem thêm: Khóa học Visual Artist
Lời kết
Trên đây là quy trình cơ bản và phổ biến nhất về cách thực hiện kỹ xảo VFX. Như bạn đã thấy, một quy trình VFX không hề đơn giản, bao gồm nhiều công đoạn và nhiều đội ngũ nhân sự khác nhau. Nhưng chính vì tính chất đặc thù đó mà ngành VFX mở ra nhiều cơ hội cho các bạn yêu thích làm kỹ xảo. Bạn có thể tìm kiếm công việc trong nhiều công đoạn làm VFX khác nhau, vừa được thử sức về thế mạnh của mình, vừa được trải nghiệm một quy trình sáng tạo đầy thú vị. Hy vọng bài viết của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn.