
Làm thế nào để trở thành một Storyboard Artist chuyên nghiệp?
Storyboard Artist là một lựa chọn nghề nghiệp đáng cân nhắc với các bạn thích vẽ. Theo đuổi công việc này có thể cho bạn cơ hội tham gia những dự án siêu “ngầu” như làm game, làm phim hoạt hình, phim điện ảnh… Ngay sau đây, Master Media sẽ giới thiệu đến bạn từng bước để trở thành một Storyboard Artist, giúp bạn thỏa mãn niềm đam mê vẽ tranh!
Công việc của Storyboard Artist
Storyboard Artist có tên gọi tiếng Việt là Họa sĩ kịch bản phân cảnh. Họ phụ trách phần việc chuyển kịch bản thành hình vẽ để hỗ trợ những công đoạn sau thuộc quá trình thực hiện sản phẩm. Cụ thể hơn, những họa sẽ này sẽ mô phỏng từng trang, hoặc đoạn kịch bản thành hình vẽ. Mỗi hình vẽ là một phân cảnh sẽ được thực hiện tạo hình, ghi hình bởi ekip.
Vì sao cần cầu kỳ như vậy? Vì trên thực tế rất khó để đọc kịch bản và hình dung ra ngay cảnh cần quay, cần thực hiện trông như thế nào. Thậm chí những nhân vật chủ chốt như đạo diễn, giám đốc hình ảnh còn lúng túng nếu chỉ đọc kịch bản. Họ sẽ cần những bản vẽ phác thảo từng phân cảnh mà kịch bản mô tả. Các bản tranh phác thảo này sẽ vẽ ra các yếu tố quan trọng như mỗi phân cảnh gồm những ai, đồ vật và không gian xung quanh trông như thế nào, góc nhìn đặt ở vị trí nào… Từ đó mà mọi thành viên trong ekip làm phim chỉ cần nhìn tranh là đã hiểu cần tạo ra một khung hình trông như thế nào và dễ dàng làm việc hơn.
Từ giải thích trên, chúng ta có thể hiểu các công việc chính của một Storyboard Artist bao gồm:
- Đọc hiểu và phân tích kịch bản sản phẩm;
- Trao đổi với đạo diễn, hoặc người phụ trách chính về những yêu cầu cần thiết cho bản vẽ;
- Hình dung từng phân cảnh, sau đó phác thảo thành tranh vẽ theo thứ tự trên kịch bản;
- Xem xét các yếu tố và yêu cầu như ánh sáng, hiệu ứng hình ảnh, bố cục, thậm chí màu sắc nếu cần thiết;
- Nộp bản và cho người phụ trách và tiến hành chỉnh sửa theo yêu cầu.
Xem thêm: Storyboard – “Xương sống” cho Hoạt họa 2D
Thu nhập của nghệ sĩ Storyboard bao nhiêu?
Thu nhập của một nghệ sĩ storyboad thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể kể đến như: Kinh nghiệm, trình độ đào tạo, các quy chế lợi ích của công ty, quy mô và lĩnh vực của công ty họ làm việc, ngành, địa phương (nơi họ làm việc) và các yếu tố khác.
Cụ thể, dựa theo các thống kê của trang Indeed một nghệ sĩ vẽ storyboard làm việc tại thành phố Canifornia có thể kiếm được trung bình 86.000 USD/năm. Tại New York các nghệ sĩ kiếm được trung bình 105.000 USD/năm.
Theo Cục Thống kê Lao động cũng cho biết, đối với nghề vẽ storyboard hiện nay khá phổ biến. Nhưng vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể nào cho nó. Cho nên, cách tốt hơn để có cái nhìn tổng quan về thu nhập của ngành này thì ta có thể xem các dữ liệu về ngành vẽ tranh minh họa. Mức lương cao nhất dành cho ngành này là khoảng 91.200 USD/năm. Và thấp nhất vào mức 18.450 USD/năm. Ngoài ra các họa sĩ đa phần làm việc tự do. Nên thu nhập của họ có thể dao động cao hơn hoặc thấp hơn.
Các bước để tìm việc về Storyboard Artist
Học những kỹ năng cần thiết
Giống như bao nghề, công việc về Storyboard yêu cầu những kỹ năng chuyên môn nhất định. Bởi vậy việc trước tiên bạn cần làm để có thể theo nghề là chuẩn bị và học tập các kỹ năng cần thiết. Những kỹ năng mà bạn có thể chủ động tự học gồm:
Kỹ năng vẽ tay: Storyboard không yêu cầu vẽ đẹp như vẽ tranh hội họa. Công việc cần kỹ năng vẽ phác thảo tốt, nhanh nhạy, chính xác. Vì vậy bạn nên rèn luyện kỹ năng này trước tiên. Bạn nên rèn vẽ qua nhiều công cụ, từ vẽ giấy cho đến vẽ digital vì các dự án sáng tạo sẽ yêu cầu họa sĩ có thể linh hoạt về công cụ vẽ.
Kỹ năng đọc, hiểu và phân tích kịch bản: Bạn có thể chủ động học bằng cách tìm một kịch bản phim trên mạng, sau đó tìm những bản Storyboard đính kèm. Các Storyboard này mô phỏng kịch bản theo hướng nào? Chi tiết hóa hay chỉ dựa trên nội dung quan trọng nhất. Từ đó bạn dần hiểu được cách tư duy của những người làm Storyboard để học hỏi cho mình. Ngoài ra bạn cũng có thể học bằng cách chủ động hình dung những khung hình cho từng phân cảnh được quy định trong kịch bản. Những khung hình này khi chuyển cảnh nên kết nối với nhau như thế nào… Cách học này cho phép bạn tự nghĩ ra phương pháp tư duy của mình mà không phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng quá nhiều từ người khác.
Kỹ năng mềm: bên cạnh những kỹ năng về chuyên môn nói trên, bạn sẽ cần chuẩn bị những kỹ năng mềm cần thiết như giao tiếp, quản lý thời gian. Vị trí này sẽ làm việc với khá nhiều đối tượng và cần linh hoạt thời gian, không cố định như giờ hành chính. Bởi vậy người làm nghề nên rèn luyện những kỹ năng này mới thích ứng được với công việc.
Ngoài những kỹ năng nói trên, nghề Storyboard còn rất cần những kiến thức về Animation và Điện ảnh. Bất cứ ai muốn làm trong các dự án sáng tạo về Animation, Điện ảnh đều phải có kiến thức chuyên môn của những lĩnh vực này mới có thể hiểu và thực hiện được. Những kiến thức này khá khó và thường được người trong nghề học qua công việc, học từ đồng nghiệp, tự nghiên cứu, và thậm chí đăng ký khóa học.
Tạo Portfolio
Bước tiếp theo để tìm công việc về Storyboard chính là tạo Portfolio. Cũng giống như thiết kế đồ họa, thiết kế 2D/3D chuyên nghiệp, bạn cần một bản Portfolio thể hiện năng lực vẽ của bản thân. Hãy tự tay thực hiện một số tranh vẽ Storyboard từ các kịch bản sưu tầm, chọn lọc những bộ tranh tốt nhất và đưa vào Portfolio. Bạn không cần vẽ hết kịch bản, chỉ cần mô phỏng một số đoạn nhất định.
Thêm một lưu ý, vì tranh Storyboard thường khá nhiều nên bạn cần cân đối về phân đoạn kịch bản được vẽ cần đưa vào, số lượng bức tranh, và cách sắp xếp tranh trong Portfolio. Chú ý không cho quá nhiều tranh khiến Portfolio bị nặng. Đồng thời sắp xếp tranh theo trình tự hợp lý, nếu bạn có nhiều dự án thì cũng sắp xếp các dự án tách biệt để người xem không bị rối.
Portfolio là thành phần quan trọng, quyết định đến hơn 50% khả năng bạn có lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng hay không. Vậy nên đừng tiếc thời gian để đầu tư cho hồ sơ năng lực này nhé!
Tìm kiếm cơ hội
Trên thực tế những công việc chính thức về Storyboard thường không được nhiều như các vị trí như thiết kế 2D, 3D, đồ họa. Không ít việc làm cũng được giới thiệu cho người quen, những người làm với nhau lâu năm và hiểu phong cách của nhau. Để tìm được một cơ hội vào nghề, bạn có thể tham khảo các cách thức sau:
Tìm cơ hội thực tập, bán thời gian về Storyboard trong thời gian đầu. Có thể chấp nhận làm lương thấp, đôi khi không lương để tìm cơ hội học và rèn luyện.
Tìm những vị trí liên quan hoặc công việc khác trong nhóm dự án. Ví dụ như họa sĩ đồ họa, hoặc trợ lý quay phim, thậm chí làm runner phụ việc nhỏ trong đoàn. Những dự án sáng tạo thường có 1 điểm là khá linh hoạt trong cách vận hành. Mỗi nhân viên, nếu có khả năng về một vị trí khác hoàn toàn có thể thử sức, đa nhiệm cho 2-3 vị trí. Bạn có thể thử cách này nếu không tìm được vị trí trực tiếp, 100% về Storyboard trong thời gian mới vào nghề.
Xem thêm: Khóa học 3D Animation
Lời kết
Trên đây là những nội dung về nghề Storyboard Artist – một công việc khá thú vị cho các bạn trẻ yêu thích vẽ tranh. Vị trí này sẽ mang đến không ít trải nghiệm cho các bạn, không chỉ về chuyên môn vẽ mà còn về những dự án sáng tạo lớn nhỏ, về cách thức để cả một ekip tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Hy vọng bài viết của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!