Bạn biết gì về Animator – Họa sĩ diễn hoạt
Họa sĩ diễn hoạt – hay Animator là một trong những công việc được nhiều bạn trẻ yêu thích nghệ thuật quan tâm. Vậy cụ thể công việc này sẽ làm những gì? Làm tại đâu? Mời bạn cùng tìm hiểu với Master Media nhé.
Animator là gì?
Animator – hay họa sĩ, chuyên viên diễn hoạt là những người sáng tạo và thiết kế hình ảnh hoạt hình cho phim ảnh hoặc game. Nhiệm vụ của họ là tạo ra những hình ảnh chân thực và sống động nhất trên màn ảnh. Họ có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau. Có thể là bản vẽ, phần mềm chuyên dụng, máy ảnh, thậm chí mô hình hoặc con rối để thực hiện công việc.
Animator sẽ làm những công việc gì?
Để hiểu rõ hơn về công việc của họa sĩ diễn hoạt chúng ta cần tìm hiểu về quy trình làm việc cơ bản nhất của các dự án sản xuất game hoặc phim hoạt hình. Nếu như trước đây sản xuất phim chủ yếu ở định dạng 2D. Animator sẽ là người phụ trách gần hết các phần việc. Giờ đây khi công nghệ phát triển, xu hướng dần chuyển sang định dạng 3D với nhiều phần mềm chuyên dụng, các công việc của animator đã được san sẻ sang một số vị trí khác.
- Đầu tiên các họa sĩ concept sẽ nhận bản mô tả và thiết kế nhân vật hoặc bối cảnh theo yêu cầu.
- Tiếp theo, các bản vẽ này sẽ chuyển sang bộ phận diễn khối hoặc dựng hình 3D – còn gọi là các 3D artist/ 3D modeler. Họ sẽ sử dụng phần mềm 3D để tái hiện lại các hình ảnh này trên máy tính.
- Bước tiếp theo sẽ do các kỹ thuật viên hiệu ứng (texture artist) đảm nhận. Họ sẽ thêm thắt các chi tiết phức tạp, thiết kế lại khung nhân vật hoặc bối cảnh để đảm bảo các chuyển động và tư thế được tự nhiên nhất.
- Phần việc sau đó là của các họa sĩ dàn trang, là người quyết định mỗi cảnh phim sẽ có những nhân vật và bối cảnh nào, đặt góc camera ra sao…
- Cuối cùng, khi mỗi cảnh phim đã được chốt sẽ đến phần việc của các animator. Họ sẽ phụ trách thực hiện các cử động trên khuôn mặt, chuyển động tay chân cho từng nhân vật trong từng cảnh phim cụ thể.
Các thể loại Animation nổi tiếng
Animation có khá nhiều thể loại khác nhau nhưng dưới dây là 5 thể loại Animation chính. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã từng trải nghiệm ít nhất 1 lần xem 1 bộ phim Animation trong những dạng hoạt họa dưới đây
Hoạt hình truyền thống (Traditional Animation)
Hoạt hình truyền thống hay còn gọi Traditional Animation là dạng Animation lâu đời nhất bởi mỗi đối tượng sẽ được vẽ trên 1 trang giấy. Để có thể tạo ra chuyển động liên tiếp cho đối tượng, các nhà sáng tạo đã vẽ từng khung hình cho từng chuyển động nhỏ của đối tượng. Trung bình mỗi giây khung hình sẽ cần khoảng 12-24 bức vẽ cho nên để tạo ra 1 bộ phim hoạt hình cần rất nhiều công sức của các họa sĩ
Hoạt hình 2D (2D Animation)
2D Animation là một dạng khác của hoạt hình truyền thống nhưng được phát triển dựa trên thuật toán Vector. Với thuật toán này giúp các họa sĩ có thể tạo nên chuyển động mượt mà và mạnh mẽ hơn, hoặc có thể chỉnh sửa bản vẽ mà không cần vẽ lại từ đầu
Hoạt hình 3D (3D Animation)
Với việc phát triển của các phần mềm 3D trên máy tính trở nên phổ biến, điều này giúp các nhà phát triển có thể sử dụng phần mềm tạo ra cơ thể nhân vật và chuyển động theo từng khung hình. Qua đó các họa sĩ 3D có thể tính toán chuyển động giúp nhân vật mượt mà và chỉn chu hơn cho từng khung hình. Ví dụ điển hình cho việc phát triển này là bộ phim Toy Story 1 và 4.
Motion Graphics (Đồ họa chuyển động)
Motion Graphics là định dạng chuyển động khá phổ biến và dễ dàng sử dụng được sử dụng trong các video quảng cáo, video giải thích khái niệm hay 1 số hoạt động marketing của doanh nghiệp. Motion Graphics được sử dụng chính nhằm truyền tải thông diệp nhiều hơn.
Stop Motion (Hoạt hình tĩnh vật)
Stop Motion có nguyên lý giống như hoạt hình truyền thống nhưng thay vì vẽ tranh thì Stop Motion sử dụng đối tượng tĩnh làm khung hình. Thường những đối tượng này được làm từ đất sét, mô hình lego,… Các nhà làm phim sẽ làm chuyển động một cách thủ công cho nhân vật và chụp ảnh động tác đó lại. Điều này rất mất thời gian và công sức nhưng khi các bộ phim hoạt hình này được công chiếu thì đều rất thành công
Animator thời 4.0 – vị trí linh hoạt
Với khái niệm trên, có thể hiểu họa sĩ diễn hoạt thời nay sẽ là người phụ trách tạo chuyển động nhân vật. Tuy nhiên không phải tất cả các dự án đều phân chia nhân sự theo bộ máy như trên. Sẽ có trường hợp một người đảm nhận nhiều nhiệm vụ. Nhiều animator cũng phụ trách dàn trang và dựng hình 3D tùy theo khả năng của họ. Nhìn chung đây là một công việc yêu cầu tính chuyên môn, nhưng vẫn có tính linh hoạt và mở rộng cho người trong nghề.
Có những vị trí họa sĩ diễn hoạt nào?
Thông thường các Animator sẽ chia thành hai bộ phận:
- Character animator: tạo cử động tay chân, biểu cảm khuôn mặt của các nhân vật trong phim khi tương tác trong phim.
- Special effects animator: phụ trách tạo chuyển động cho bất kỳ sự vật khác không phải nhân vật. Có thể là máy móc, động vật, xe cộ, hiện tượng tự nhiên như mưa, bão, gió…
Tùy vào khả năng và sở thích, các animator có thể chọn một chuyên môn làm việc cho mình. Cả hai bộ phận trên đều đóng vai trò quan trọng trong các dự án sáng tạo. Các họa sĩ diễn hoạt đều làm việc tại các studio sáng tạo, xưởng phim, xưởng game, hoặc văn phòng công ty phụ trách dự án. Vì tính chất công việc họ sẽ dành hàng giờ trên bảng vẽ hoặc máy tính. Về thời gian, họ có thể làm theo giờ văn phòng, hoặc làm freelance tùy dự án.
Các kỹ năng Animator cần thiết
Không quá khó để trở thành một Animator chuyên nghiệp. Vị trí này khá cởi mở với bất cứ ai đam mê sáng tạo, yêu thích mỹ thuật, và đặc biệt là Animation. Bạn chỉ cần rèn luyện một số kỹ năng Animator quan trọng sau để theo nghề:
Kỹ năng vẽ tay
Có một thực tế là phần lớn công việc của Animator không yêu cầu vẽ tay trực tiếp. Hầu như 90% công việc là thao tác trên phần mềm. Việc vẽ tay và tạo hình nhân vật đã được thực hiện bởi các Concept Artist hay Họa sĩ tạo hình. Vậy có kỹ năng vẽ tay để làm gì?
Dù không trực tiếp nhưng họa sĩ Animator cần có am hiểu về mỹ thuật. Kỹ năng vẽ giúp họ nắm bắt nhanh về cấu trúc, đặc điểm mỹ thuật của các đối tượng được tạo chuyển động. Từ đó họ mới hình dung ra cách tạo biểu cảm, cử động phù hợp với cấu tạo của từng đối tượng cụ thể. Kiến thức đó chỉ có được khi bạn đã học và thực hành vẽ tay.
Kỹ năng sử dụng phần mềm
Đối với những họa sĩ diễn hoạt thì phần mềm thiết kế chính là bút và cọ vẽ. Chỉ khi sử dụng thành thạo những phần mềm ấy, các Animator mới tạo ra được các sản phẩm như ý. Đây cũng là kỹ năng Animator không thể thiếu cho bất cứ ai muốn theo đuổi công việc này. Kỹ năng sử dụng phần mềm thường bao gồm: nhạy bén với tính năng công nghệ, khả năng quan sát tốt, tìm kiếm và khám phá công cụ tốt, tư duy phân tích để tìm ra công cụ phù hợp cho thao tác…
Những phần mềm mà các họa sĩ Animator nên thành thạo bao gồm: Adobe After Effects, Autodesk Maya.
Kỹ năng nắm bắt và biểu đạt cảm xúc qua diễn xuất
Làm Animator cũng gần giống như công việc diễn xuất vậy. Các diễn viên sẽ chủ động thể hiện tâm lý nhân vật qua biểu cảm khuôn mặt, hành động và cử chỉ cơ thể. Các nhân vật, cũng như các vật thể khác trong phim hoạt hình thì khác. Chúng không thể tự tạo ra biểu cảm hay cử động. Các Animator sẽ thực hiện điều đó. Nói cách khác, họ đóng vai trò như những “diễn viên” tạo ra cử động và biểu cảm cho các đối tượng phim.
Với tính chất công việc như trên, Họa sĩ diễn hoạt cần có kỹ năng nắm bắt cảm xúc, thậm chí tâm lý của đối tượng phim. Họ nên hiểu đối tượng đó giống như các diễn viên hiểu nhân vật của mình vậy. Không chỉ vậy, họ cần biết cách để biểu đạt chúng cảm xúc, tâm lý qua diễn xuất. Cụ thể như cách tạo ra cử động, biểu cảm tinh tế, phù hợp với diễn biến cảm xúc trong từng phân cách. Đây là những kỹ năng tương đối khó, yêu cầu tính nhạy cảm và nhiều khi là tính nghệ sĩ trong công việc.
Kỹ năng làm việc nhóm
Có thể bạn không ngờ nhưng kỹ năng Animator rất cần đến lại là làm việc nhóm. Đây không phải công việc bạn làm một mình là xong. Vị trí này sẽ cộng tác với nhiều thành viên trong nhóm cũng như các nhóm khác để hoàn thành phần việc chung. Các Animator cần trao đổi với các 3D Artist, Texture Artist, người phụ trách những công đoạn trước đó để hiểu về sản phẩm mình nhận lại. Họ cũng cần kết nối với thành viên trong nhóm để phân chia công việc, hỗ trợ nhau khi cần. Chỉ khi có kỹ năng làm nhóm tốt, công việc của họ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về định nghĩa về Animator – Họa sĩ diễn hoạt. Hy vọng những nội dung trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về Họa sĩ diễn hoạt và đưa ra được định hướng cho mình. Master Media chúc bạn sớm tìm được hướng đi phù hợp.