Rigging – Tầm quan trọng của “khung xương” trong hoạt hình 3D
Hãy thử hình dung cơ thể của chúng ta sẽ ra sao nếu như không có xương? Ta không thể cử động, thậm chí không thể tồn tại. Điều tương tự sẽ xảy ra với các nhân vật và vật thể hoạt hình 3D mà chúng ta được chiêm ngưỡng trên màn ảnh. Cũng giống như cơ thể người, chúng rất cần có một “khung xương” của riêng mình. “Khung xương” ấy được tạo thành từ quy trình mang tên Rigging.
Định nghĩa cụ thể về Rigging
Thông thường, quy trình làm phim hoạt hình 3D cơ bản sẽ bao gồm các bước sau:
- Modelling: Dựng hình để tạo ra mô hình 3D hoàn chỉnh
- Rigging: Tạo khung xương cho các mô hình 3D, là bệ đỡ cho các cử động sau này.
- Animation: Tạo chuyển động cho mô hình 3D, dựa vào khung xương đã có.
- Texturing: Tô màu, tạo chất liệu cho các chi tiết của mô hình thêm sinh động.
- Lighting: Điều chỉnh độ sáng phù hợp với từng phân cảnh.
Như vậy, Rigging là một quy trình tiếp nối giữa Modelling và Animation. Hiểu đơn giản, quy trình Rigging sẽ tạo ra những “khung xương” cho các nhân vật và vật thể hoạt hình 3D. Các 3D Artist sẽ nhận lại mô hình 3D sau quy trình dựng, tiến hành phân tích. Sau đó họ xây dựng các khớp nối tại những vị trí phù hợp trên mô hình. Những bộ khớp này sẽ là điểm tựa để mô hình thực hiện những cử động nhất định. Nếu ghép lại các khớp nối với nhau, chúng ta sẽ có được một bộ khung tổng thể. Nói cách khác đó chính là “khung xương” của mô hình 3D.
Xem thêm: Thêm một lý do không lo thất nghiệp khi theo 3D Animation
Vai trò của Rigging trong thiết kế hoạt hình 3D
Những mô hình 3D không được Rigging cũng giống như cơ thể chúng ta khi không có xương vậy. Không có sức sống, thậm chí không thể tồn tại.
Rigging quyết định các cử động của mô hình 3D
Để tạo một cử động cho mô hình 3D, các 3D Artist cần có một hoặc nhiều khớp nối làm điểm điều khiển. Cũng giống như cơ thể ta khi có bất cứ cử động nào luôn có sự điều khiển của các khớp trên cơ thể. Cử động tay được điều khiển bởi các khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay. Chưa kể đến các cơ và dây chằng gắn vào da để kết nối và điều khiển những cử động phức tạp.
Các mô hình 3D cũng hoạt động trên nguyên lý gần giống như vậy. Điểm khác biệt là các khớp nối của những mô hình này không bị giới hạn về vị trí cũng như số lượng. 3D Artist có thể đặt khớp nối ở bất cứ đâu, với số lượng tùy ý. Điều quan trọng là những khớp nối ấy phù hợp cho những chuyển động của mô hình sau này.
Toàn bộ quy trình Rigging sẽ yêu cầu sự tính toán một cách chính xác về những cử động dự kiến của mô hình. Những cử động của nhân vật về sau, có tự nhiên hay không, có linh hoạt và dễ điều chỉnh không? Tất cả đều phụ thuộc vào “khung xương” được xây trong quy trình Rigging.
Xem thêm: Làm thế nào để trở thành một nghệ sĩ 3D?
Quyết định biểu cảm của nhân vật
Khác với phim có diễn viên đóng, các nhân vật trong phim hoạt hình 3D đều là sản phẩm của phần mềm. Những biểu hiện cảm xúc của nhân vật hoạt hình hoàn toàn do bàn tay của 3D Artist tạo ra. Biểu cảm của nhân vật có chân thực, người xem mới đồng điệu và yêu mến tác phẩm hoạt hình 3D.
Biểu cảm của nhân vật chính là tổ hợp của những cử động trên khuôn mặt, đôi khi cơ thể. Như đã nói ở trên, bất cứ cử động nào của mô hình 3D đều được quyết định bởi Rigging. Đối với biểu cảm, Rigging sẽ tác động qua việc lựa chọn điểm khớp trên khuôn mặt và cơ thể mô hình 3D. Đồng thời việc tạo ra các đường liên kết – hay các “sợi cơ” gắn vào da để thực hiện chuyển động. Rigging không tốt, nhân vật càng khó thể hiện cảm xúc. Từ đó dẫn đến trạng thái nhân vật vô cảm hoặc biểu cảm không hợp lý.
Quyết định “sự sống còn” của các Animator
Người làm 3D thường có một câu nói đùa. Rằng Animator muốn một cuộc sống dễ thở rất cần mua trà sữa cho người làm Rigging. Animator chính là những 3D Artist phụ trách phần tạo chuyển động cho mô hình 3D. Họ sẽ tiếp quản công đoạn tiếp theo sau của Rigging. Kết quả của quy trình Rigging sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ công việc của Animator.
Các kỹ thuật tạo chuyển động cho nhân vật có dễ dàng không? Có thể thay đổi cử động một cách linh hoạt hay không? Đặc biệt với những cử động phức tạp với nhiều động tác, việc kết hợp nhiều bộ phận sẽ ra sao, có bị rối quá hay không? Đồng thời cử động của nhân vật có mượt mà và tự nhiên? Tất cả những kết quả này đều phụ thuộc rất nhiều vào khung xương mà Rigging đã đẽo gọt và lắp ráp.
Một khung xương thông minh, tinh gọn mà vẫn đạt hiệu quả sẽ đặc biệt có ích cho các Animator. Họ không cần quá đau đầu nghĩ ngợi để xử lý các cử động phức tạp cho mô hình 3D.
Xem thêm: Khóa học 3d animation
Lời kết
Rigging đã, đang và sẽ luôn là một quy trình không thể thiếu trong thiết kế hoạt hình 3D. Không phổ biến như Modelling hay Animation, nhưng Rigging luôn được coi trọng bởi giới chuyên môn. Những 3D Artist với kỹ thuật Rigging tốt sẽ được đánh giá rất cao trong thiết kế hoạt hình 3D. Vì vậy nếu có cơ hội hãy học hỏi thêm về quy trình thú vị này bạn nhé.