Bí quyết khi thiết kế nhận diện thương hiệu
Thiết kế nhận diện thương hiệu đẹp đã khó. Thiết kế sao cho bộ nhận diện đạt hiệu quả cao, nhận phản hồi tốt từ thương hiệu càng khó hơn. Làm sao để tạo ra một bộ nhận diện thương hiệu như vậy? Hãy cùng tham khảo bị quyết trong bài viết sau của Master Media nhé!
Tập trung vào tính nhận diện
Tính nhận diện là gì? Là mức độ nhận biết, nhận ra một đối tượng thông qua một chi tiết đặc trưng nào đó. Một người thường có độ nhận diện cao – hay nhiều người chú ý đến khi người đó có ngoại hình nổi bật, hoặc sở hữu một chi tiết nào đó rất đặc trưng về ngoại hình. Có thể là mái tóc xoăn, đôi mắt với màu sắc đặc biệt, hay nụ cười… Tương tự, với thương hiệu cũng vậy. Thiết kế bộ nhận diện chính là tạo ra ngoại hình cho thương hiệu ấy. “Ngoại hình” này bao gồm màu sắc đặc trưng, biểu tượng trên logo, font chữ hay dùng, hình ảnh đặc trưng… Các thương hiệu với độ nhận diện cao sẽ có thiết kế bộ nhận diện nổi bật, độc đáo, gây được ấn tượng với người xem.
Designer có thể tạo ra độ nhận diện qua ba cách. Cách một là tạo ra một thiết kế với “ngoại hình” nổi bật, đẹp như một mỹ nhân. Cách hai là tạo ra một chi tiết, một biểu tượng đặc trưng cho thương hiệu. Cách ba là kết hợp cả hai cách trên, cũng là tiêu chí cao nhất của thiết kế bộ nhận diện. Ví dụ tiêu biểu là thiết kế logo của Apple. Thương hiệu đã rất thành công với biểu tượng đặc trưng quả táo cắn dở. Cứ nhắc đến quả táo cắn dở, nhiều người sẽ liên tưởng đến thương hiệu công nghệ này. Bên cạnh đó các thiết kế logo của Apple cũng được đánh giá có tính thẩm mỹ cao, hợp thời với từng xu hướng của thời đại.
Một ví dụ khác đến từ thiết kế mới của Vinamilk Việt Nam. Bản logo mới từng gây tranh cãi vì tông màu xanh có phần “xanh” quá, bên cạnh đó là hai chữ EST – 1976 bị tách rời trong logo. Nó giống như việc bạn để chữ Năm sinh và con số năm sinh ở xa nhau, hai đầu cây số vậy.
VD: bình thường – Năm sinh: 1976
Với Vinamilk – Năm sinh 1976
Tuy nhiên hai chi tiết gây tranh cãi này lại trở thành nét đặc trưng riêng của Vinamilk. Thậm chí thương hiệu này còn tạo ra một website để cộng đồng vào tạo ảnh chế giống như logo của thương hiệu vậy. Đây là bước đi rất thông minh của Vinamilk để quảng bá về bộ nhận diện mới, giúp Vinamilk thu hút sự chú ý đông đảo từ cộng đồng mạng.
Xem thêm: Vì sao làm Designer cần biết bộ nhận diện thương hiệu là gì?
Chú ý vào tính nhất quán của bộ nhận diện
Một bộ nhận diện thương hiệu thành công nhất định phải có tính nhất quán trong mọi thành phần. Bạn quyết định sử dụng màu sắc, font chữ, chi tiết nào đại diện cho thương hiệu, bạn cần áp dụng những chất liệu tương tự cho mọi thiết kế trong bộ nhận diện. Không nên để logo màu này, poster lại một màu khác hoàn toàn (trừ khi các màu này được quy định là màu đại diện của cả thương hiệu).
Ví dụ cụ thể hơn, bạn quyết định màu đại diện thương hiệu là xanh lá, đen và da cam. Bạn có thể cho logo màu cam, thiết kế poster với màu xanh lá. Tuy nhiên bạn không được thiết kế poster với màu đỏ, vàng… bất cứ màu nào ngoài bộ ba màu đại diện nói trên. Nó sẽ phá vỡ tính nhất quán của bộ nhận diện, khiến người ngoài bị rối và không biết đâu mới là màu sắc đặc trưng của thương hiệu để nhận diện.
Thiết kế đơn giản và dễ hiểu
Xu hướng tối giản (Minimalism) vẫn đang là xu hướng được thịnh hành và được nhiều nhãn hàng ưa chuộng. Cũng dễ hiểu vì thiết kế đơn giản khiến người xem không bị rối mắt, nổi bật các chi tiết quan trọng khiến người xem dễ nhớ, từ đó mà dễ nhận biết thương hiệu hơn. Ngoài ra các thiết kế đơn giản còn dễ điều chỉnh sao cho phù hợp với nhiều sản phẩm thiết kế trong bộ nhận diện thương hiệu, từ logo đến thiết kế bộ dụng cụ văn phòng như card visit, sổ bút, hay thiết kế website, ứng dụng…
Bên cạnh đó, những thiết kế dễ hiểu cũng được khuyến khích hơn trong thời đại này. Giữa bối cảnh có quá nhiều thương hiệu xuất hiện, và cuộc sống ngày một hối hả như hiện nay, người xem thường thích những thiết kế dễ hiểu hơn. Nhìn ngắm thiết kế trong vài phút, thậm chí vài giây họ đã phần nào hình dung về phong cách, xu hướng của thương hiệu này. Có thể lấy ví dụ từ thiết kế mới của Viettel. Chuyển đổi từ logo màu xanh lá trước đây sang màu đỏ rực rỡ, font chữ tối giản, đường nét gọn gàng nhưng vẫn không kém phần cá tính. Logo này mang đến ấn tượng về một thương hiệu hướng đến sự năng động, nổi bật, đánh dấu bước chuyển mình của thương hiệu lâu đời tại Việt Nam.
Xem thêm: Học thiết kế đồ họa
Lời kết
Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu tưởng khó không tưởng nhưng cũng thành dễ hơn bạn nghĩ nếu bạn đáp ứng được những tiêu chí quan trọng nhất. Đó chính là sự độc đáo, tính nhất quán, và tính đơn giản dễ hiểu. Hy vọng bài viết trên của Master Media đã giúp bạn khai phá được bí quyết chinh phục thiết kế bộ nhận diện!