Vì sao làm Designer cần biết bộ nhận diện thương hiệu là gì?
Bất cứ ai làm thiết kế đồ họa đều ít nhất một lần làm việc về bộ nhận diện thương hiệu. Vậy bộ nhận diện thương hiệu là gì? Hãy cập nhật kiến thức mới về khái niệm này cùng Master Media bạn nhé!
Bộ nhận diện thương hiệu là gì?
Bạn có thể hình dung bộ nhận diện thương hiệu giống như bộ hình ảnh đại diện cho một tập thể. Tập thể ở đây chính là thương hiệu, là công ty, tổ chức, hay thậm chí cá nhân cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.
Vì sao những tập thể này lại cần có một bộ hình ảnh đại diện? Đơn giản vì trên thị trường không chỉ có một mà đến vô vàn tập thể khác nhau. Một sản phẩm hoặc dịch vụ có thể được cung cấp bởi rất nhiều thương hiệu. Điều gì khiến người tiêu dùng nhớ đến thương hiệu ấy?
Đó chính là bộ hình ảnh đại diện, hay ở đây là bộ nhận diện thương hiệu. Đó là tập hợp của tên gọi, logo, màu sắc, hình ảnh đặc trưng của thương hiệu. Giống như ngoại hình của một con người vậy. Bạn chỉ được nhớ đến khi có một định danh cụ thể. Thương hiệu cũng vậy. Các thương hiệu cần có một “định danh” cho mình để được nhớ đến và khẳng định tên tuổi.
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa thương mại
Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những gì?
Các thành phần của bộ thương hiệu đa dạng hơn bạn nghĩ. Hầu như mọi sản phẩm thiết kế cho hoạt động của thương hiệu đều thuộc về bộ nhận diện. Các nhóm thành phần chính bao gồm:
Bộ nhận diện
Màu sắc đặc trưng
Là màu sắc mà thương hiệu lựa chọn để đại diện cho mọi ấn phẩm thiết kế liên quan đến nhận diện thương hiệu. Màu sắc thường được quyết định dựa trên phong cách, ấn tượng mà thương hiệu muốn để lại trong mắt người tiêu dùng. Mỗi màu sắc sẽ có nét cá tính riêng. Ví dụ: Màu đỏ tượng trưng cho sự nhiệt huyết, năng động, giàu năng lượng, đôi khi là tính hiếu chiến. Màu xanh dương đại diện cho tính tin cậy, trung thành, bền bỉ, truyền thống.
Logo
Logo là một thiết kế mang tính biểu tượng, có thể bao gồm hình vẽ, chữ viết hoặc cả hai. Logo giống như hình ảnh đại diện, đặc trưng nhất cho phong cách và thông điệp của thương hiệu. Logo cần có tính độc đáo, dễ thu hút người nhìn, mang ý nghĩa mà thương hiệu muốn truyền tải.
Slogan
Là câu khẩu hiệu ngắn gọn, dễ nhớ, truyền tải thông điệp của thương hiệu. Ví dụ như slogan của Apple là “Think Different”, thể hiện cho tính sáng tạo độc đáo của thương hiệu công nghệ.
Tagline
Tagline là một câu châm ngôn dài hơn so với Slogan, thể hiện triết lý và phương châm hoạt động của thương hiệu. Đó cũng có thể là lời nhắn về hành động cụ thể mà thương hiệu muốn khuyến khích người tiêu dùng. Tagline có thể thay đổi tùy theo thời kỳ hoặc từng chiến dịch cho các sản phẩm mới. Ví dụ, một số câu tagline nổi tiếng của Apple bao gồm:
Privacy. That’s iPhone
The App Store. Open for business
iPad is like a computer, unlike any computer
Siri, your intelligent assistant
Bộ nhận diện tại điểm bán – POSM
Nhiều thương hiệu cung cấp sản phẩm / dịch vụ thường có những địa điểm bán hàng. Tiêu biểu như các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, mỹ phẩm, đồ uống… Những điểm bán còn được gọi là POSM – hay Point Of Sales Material. Đó là các chuỗi cửa hàng, siêu thị, địa điểm bán hàng và phân phối hàng hóa của thương hiệu. Những địa điểm này cũng cần có bộ nhận diện đặc trưng của thương hiệu. Qua đó người tiêu dùng dễ nhận diện, ghi nhớ, và trên hết là tìm đến và mua sản phẩm.
Bộ thiết kế tại điểm bán thường bao gồm: biển hiệu, standee, backdrop, gian hàng pano quảng cáo, thậm chí tờ rơi… Tất cả những sản phẩm này đều cần được thiết kế bởi designer chuyên nghiệp.
Bộ nhận diện tại văn phòng
Bất cứ công ty nào cũng có văn phòng làm việc tại trụ sở và một số chi nhánh. Những môi trường này cũng cần được thiết kế bộ nhận diện. Qua đó các nhân viên sẽ giống như một đại diện, giúp người ngoài biết về thương hiệu và về sau dẫn đến cơ hội kết nối. Bộ nhận diện thương hiệu tại văn phòng thường có:
Thiết kế sổ, bút, lịch để bàn, brochure giới thiệu công ty, card visit, đồng phục, thẻ nhân viên…
Bộ nhận diện trên Internet
Giữa thời đại Internet phủ sóng như hiện nay thì đây chính là một kênh truyền thông không thể bỏ qua. Các thương hiệu có thể quảng bá qua nhiều kênh online khác nhau. Qua đó họ gửi gắm và truyền bá về các sản phẩm được thiết kế theo bộ nhận diện.
Bộ nhận diện trên Internet có thể là bất cứ sản phẩm gì: từ logo, slogan, cho đến hình ảnh đại diện trên Facebook, LinkedIn, thậm chí website công ty, video giới thiệu về thương hiệu. Sự đa dạng này mang đến nhu cầu thiết kế vô cùng lớn từ các thương hiệu. Đây chính là “mảnh đất” việc làm màu mỡ cho các designer.
Bộ nhận bao bì sản phẩm
Đúng như tên gọi, thiết kế bao bì là các sản phẩm về bao bì đóng gói cho những mặt hàng cụ thể. Thiết kế bao bì cần đạt các tiêu chí về tính thẩm mỹ, tính chắc chắn và tối ưu chi phí. Người phụ trách thiết kế bao bì cần cân nhắc về khá nhiều yếu tố. Không chỉ về tạo hình thẩm mỹ sao cho đẹp mà còn là chất liệu phù hợp, làm sao để đóng gói sản phẩm chắc chắn nhất…
Nhiều công ty lớn sẵn sàng trả chi phí lớn để làm việc với các designer nhiều kinh nghiệm về thiết kế bao bì. Một lĩnh vực rất đáng cân nhắc cho các nhà thiết kế đang tìm hướng phát triển.
Bộ ấn phẩm quảng cáo
Bộ ấn phẩm quảng cáo thường là các thiết kế thương hiệu đính kèm dịch vụ khuyến mại hay trong chiến dịch quảng cáo cụ thể. Đó có thể là một catalouge giới thiệu các sản phẩm. Bản brochure cho khách hàng, hay một bản portfolio ấn tượng mà thương hiệu muốn thể hiện cho khách hàng. Bộ ấn phẩm cũng bao gồm những món quà đi kèm khuyến mại như túi in hình logo, coupon hay voucher khuyến mãi…
Quy trình thiết kế một thương hiệu
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu
Đầu tiên phía bộ phận thiết kế sẽ gặp gỡ người đại diện thương hiệu để tiếp nhận các yêu cầu. Người này có thể là chính designer hoặc account – người chuyên làm việc với khách hàng. Tại cuộc gặp này phía thiết kế cần làm rõ thông tin với thương hiệu. Đảm bảo hiểu đúng và đầy đủ về các mong muốn thiết kế của phía thương hiệu.
Bước 2: Nghiên cứu
Rất ít người có thể thực hiện thiết kế ngay khi tiếp nhận yêu cầu. Để làm được điều này bạn cần thực hiện bước nghiên cứu.
Trước tiên bạn cần tìm hiểu về thương hiệu cùng những yêu cầu của họ. Thương hiệu này hoạt động về lĩnh vực gì? Sản phẩm và dịch vụ kinh doanh của họ là gì? Tập khách hàng mục tiêu của họ là ai? Những người này thường có đặc điểm gì? Thương hiệu này muốn xây dựng hình ảnh gì: truyền thống hay hiện đại, vĩ đại hay giải dị gần gũi?
Sau khi đã giải mã về thương hiệu, bạn sẽ cần tìm hiểu về những chất liệu thiết kế phù hợp với yêu cầu của họ. Những hình khối, màu sắc hay font chữ nào có thể đúng với đề bài mà họ đưa ra. Những tìm hiểu này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức cần thiết, từ đó dần xuất hiện cảm hứng và ý tưởng thiết kế.
Bước 3: Lên ý tưởng và thực hiện
Đây là một trong những công đoạn khó khăn nhất với các designer. Họ sẽ cần tìm nhiều cách khác nhau để lên ý tưởng. Đọc và xem thật nhiều, luôn mang theo bút và máy mọi nơi để kịp phác lại bất cứ thứ gì nảy ra trong đầu. Có người còn tạo ra bảng cảm hứng – moodboard để tập hợp mọi cảm hứng cho thiết kế. Sau khi có ý tưởng, designer bắt đầu thực hiện bằng các phần mềm thiết kế chuyên dụng.
Bước 4: Gửi sản phẩm cho thương hiệu
Các nhà thiết kế sẽ gửi sản phẩm cho khách hàng sau khi hoàn tất. Họ sẽ cần gặp gỡ với phía thương hiệu để giải thích về thiết kế của mình. Trong những cuộc gặp với các thương hiệu lớn, họ thậm chí phải thuyết trình và thuyết phục đối phương chấp nhận bản thiết kế. Bước này còn được gọi là pitching.
Bước 5: Thay đổi và hoàn thiện thiết kế
Đa số các thương hiệu sẽ muốn sửa sản phẩm thiết kế sau bước 4. Vì vậy designer sẽ cần tiếp nhận những yêu cầu mới này và điều chỉnh cho đến khi “thượng đế” ưng mới thôi.
Bước 6: Bàn giao thiết kế và nghiệm thu
Sau khi phía thương hiệu chấp nhận thiết kế cuối, designer bắt đầu bàn giao lại sản phẩm và tiến hành nghiệm thu.
Những lưu ý khi thiết kế thương hiệu
Chủ động và rõ ràng về cách làm việc
Như bạn đã thấy, một bộ nhận diện thương hiệu bao gồm rất nhiều thành phần. Để hoàn thành tất cả trong một khoảng thời gian ngắn là vô cùng khó. Trong khi đó phía thương hiệu thường đưa ra nhiều yêu cầu kèm theo áp lực về thời gian và chi phí. Với bài toán trên thì các graphic designer nên chủ động và rõ ràng về cách làm việc cùng thương hiệu. Bạn nên đề xuất về cách làm việc tốt nhất cho cả hai bên. Bạn có thể gợi ý những thiết kế cần ưu tiên trước và đưa ra khung thời gian hợp lý. Nhờ vậy bạn sẽ tránh tình huống thương hiệu đòi quá nhiều sản phẩm trong một thời gian ngắn.
Đừng ngại tư vấn cho thương hiệu
Có một thực tế là không phải “thượng đế” nào cũng đủ hiểu biết về thiết kế. Họ có thể đưa ra những yêu cầu rất vô lý, thậm chí ngớ ngẩn. Trước các yêu cầu đó, hãy cố gắng giữ một chiếc đầu lạnh và đưa ra tư vấn cho phía thương hiệu. Những tư vấn rõ ràng, hợp lý cùng tác phong chuyên nghiệp sẽ giúp bạn thuyết phục họ.
Trên đây là điều bạn cần biết về bộ nhận diện thương hiệu phổ biến nhất hiện nay. Bạn yêu thích và muốn tập trung cho sản phẩm nào nhất? Hy vọng bài viết trên của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn.