Những lưu ý chọn 3D Asset cho Designer
3D Asset có thể không phải thành phần chính trong quy trình sáng tạo sản phẩm 3D. Tuy nhiên đây vẫn là thành phần có vai trò nhất định. Designer càng biết cách chọn 3D Asset nhanh và phù hợp, quy trình càng nhanh gọn và Designer có thời gian tập trung cho các công đoạn quan trọng khác.
3D Asset là gì?
3D Asset là những chi tiết hoặc mô hình nhỏ đơn giản được sử dụng để tạo thành các mô hình 3D chính. Thế giới 3D Asset vô cùng đa dạng, từ cỏ cây, chi tiết về thời trang (cặp tóc, ví, cúc áo…), công cụ lao động (cuốc, liềm, rìu…), dụng cụ thể thao (giày, bóng, vợt…).
Mặc dù không phải thành phần chính nhưng 3D Asset luôn là những thành phần không thể thiếu. Những chi tiết và mô hình này góp phần hoàn chỉnh mô hình chính. Những mô hình chính có các chi tiết 3D Asset sinh động, phù hợp với bối cảnh, có chất lượng cao sẽ trông bắt mắt và ấn tượng hơn.
Vì sao cần chọn 3D Asset cẩn thận?
Vì sao 3D Asset không phải thành phần chính mà Designer vẫn cần lựa chọn cẩn thận?
Hãy hình dung bạn đang tạo mô hình 3D một vận động viên bóng chày. Anh ta đang cầm quả bóng trên tay, với chiếc bao tay bóng chày chuyên nghiệp. Cơ thể và trang phục vận động viên được tạo hình sắc nét và rất sinh động. Tuy nhiên quả bóng trên tay anh ta lại không phải bóng chày, nhìn khá vỡ nét. Chưa kể chiếc bao tay lại có màu xanh nõn chuối, trông hoàn toàn lạc lõng với trang phục. Mô hình vận động viên tưởng chừng hoàn hảo, nhưng lại thành khuyết thiếu chỉ vì 2 chi tiết đó. Những chi tiết này chính là các 3D Asset. Việc Designer không chú ý chọn các chi tiết này cẩn thận đã khiến mô hình 3D trở nên kém hoàn thiện.
Không dừng lại ở đó, lựa chọn 3D Asset cũng ảnh hưởng đến quy trình sáng tạo 3D nói chung. Designer càng có nhiều nguồn 3D Asset phong phú, biết cách phân loại và xác định Asset phù hợp. Designer càng tiết kiệm được nhiều thời gian và tập trung cho những công đoạn chính.
Các yếu tố cần lưu ý khi chọn 3D Asset
Tính tương thích với phần mềm
Để đảm bảo Asset phù hợp về đặc điểm kỹ thuật, có thể chạy trơn tru khi ghép cùng mô hình trên phần mềm, Designer nên lưu ý tính tương thích của Asset trước tiên. Cụ thể:
- Asset có định dạng file tương thích, có thể hiển thị với phần mềm đang dùng hay không? Ví dụ phần mềm Maya sẽ tương thích với các file định dạng .ma, .mb, FBX, OBJ.
- Phiên bản hiện tại của Asset có tương thích với phiên bản hiện tại của phần mềm không?
- Asset có yêu cầu riêng về plugin hay extension gì không?…
Chất liệu (Material) và bề mặt (Texture)
Đây cũng là 2 yếu tố rất cần cân nhắc khi chọn 3D Asset. Chất liệu quyết định Asset đó có phù hợp với tổng thể và bối cảnh hay không? Ví dụ một chiếc búa làm bằng kim loại sẽ không hợp với nhân vật 3D là người tiền sử, đang sống ở thời khai sơ. Tương tự, bề mặt (Texture) vừa quyết định tính phù hợp, vừa ảnh hưởng trực tiếp về mặt thẩm mỹ. Ví dụ ngôi nhà 3D có Asset là cánh cửa sổ. Cánh cửa ấy có bề mặt như thế nào, được xử lý cẩn thận để trơn phẳng, phù hợp với ngôi nhà hay không?…
Mức độ chi tiết của Asset
Giống như các mô hình 3D lớn, các Asset cũng được khắc họa theo nhiều mức độ chi tiết khác nhau. Hình càng độ chi tiết càng cao thì càng sắc nét, tuy nhiên dung lượng sẽ nặng và mất thời gian chạy hơn.
Mức độ chi tiết của 1 3D Asset được quy định bởi 2 chỉ số: Số lượng Polygon và LOD (Level of Detail). Các chỉ số này càng cao thì Asset càng chi tiết và sắc nét, dung lượng càng lớn. Designer có thể xem xét 2 chỉ số này để chọn Asset phù hợp.
Gắn khung xương (Rigging) và tạo chuyển động (Animation)
Khi chọn Asset, Designer cũng nên cân nhắc có cần đến những Asset chuyển động được hay không? Ví dụ như một quả bóng lăn được, một con vật đang chạy… Nếu cần, Designer cần tìm các Asset đã được gắn khung xương hay còn gọi là Rigging. Những Asset này được tạo hình một khung xương làm bệ đỡ, gồm các khớp nối để tạo biểu cảm và di chuyển cho Asset. Qua Rigging, những Asset này sẽ được tạo diễn hoạt hay cử động.
Ngoài các yếu tố chính nêu trên, Designer cũng nên lưu ý những thông số kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến chất lượng Asset và độ tương thích của Asset với phần mềm như UV Mapping, Shading, Rendering.
Khi nào nên mua 3D Asset?
Sẽ thật lý tưởng nếu ta tìm được các 3D Asset phù hợp với dự án mà không mất chi phí. Tuy nhiên sẽ có những dự án yêu cầu chất lượng cao, có độ khó lớn, hoặc các 3D Asset rất khó tìm. Lúc đó Designer cần cân nhắc tìm mua 3D Asset phù hợp. Tùy vào dự án, chi phí mua 3D Asset có thể thuộc về chi phí của dự án, Designer không cần bỏ túi tiền chi trả. Đến bước này, Designer nên cân nhắc kỹ để lựa chọn Asset phù hợp, không lãng phí chi phí dự án.
Designer có thể cân nhắc những yếu tố sau đây để xem xét có nên mua 3D Asset hay không.
- Kiểm tra tất cả nguồn 3D Asset bạn sẵn có. Nếu thực sự không thể tìm được Asset mới và thời gian không cho phép tìm kiếm thêm, hãy cân nhắc tìm nguồn mua Asset mới.
- Xem xét lại yêu cầu của dự án. Dự án có khó đến mức bắt buộc phải chọn các loại Asset chất lượng cao và hiếm?
- Nghiên cứu và đánh giá thư viện Asset trả tiền. Bạn nên tìm các nguồn uy tín cung cấp Asset chất lượng tốt, giá cả minh bạch và an toàn cho người mua (không chứa mã độc gây nguy hiểm khi tải dùng). Làm báo giá và so sánh các Asset từ nhiều nguồn khác nhau, có thể tải các mẫu Asset cho phép dùng thử miễn phí một thời gian để kiểm tra chất lượng, độ tương thích với phần mềm và dự án. Những nguồn 3D Asset uy tín nhất hiện nay bao gồm: Envato Market, TurboSquid, ActionVFX, CGTrader.
- Tham khảo giấy phép sử dụng của Asset trước khi mua. Liệu Asset đó có cho phép sử dụng với mục đích thương mại? Asset có cho phép sửa đổi và chia sẻ với người cùng dự án…
- Đọc đánh giá về nhà cung cấp Asset trước khi mua để có thêm thông tin và cái nhìn khách quan nhất.
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa 3D
Tạm kết
Đến đây chắc bạn đã nhận thấy vai trò của việc lựa chọn 3D Asset với các dự án 3D. Đây là phần việc không thể thiếu trong từng dự án, gắn liền với công việc của các Designer. Hy vọng bài viết của Master Media đã mang đến những nội dung có ích cho bạn!