Vì sao Mosaic lại có sức hút với dân thiết kế?
Đã bao giờ bạn nghe về Mosaic – loại hình nghệ thuật thủ công truyền thống đã có hàng nghìn năm tuổi? Nếu chưa thì hãy dành thời gian tìm hiểu ngay nhé. Vì đây là một trong những chất liệu sáng tạo rất được giới Design yêu thích. Trong bài viết hôm nay của Master Media, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Mosaic và lý do vì sao loại hình này lại có sức hút lớn với dân thiết kế.
Giới thiệu về Nghệ thuật Mosaic
Mosaic có thể hiểu đơn giản là tranh khảm hoặc tranh ghép. Đây là nghệ thuật thủ công truyền thống, tạo ra các bức tranh bằng cách ghép những mảnh vật liệu nhỏ bằng thuỷ tinh, vỏ sò, gốm… và gắn kết bằng keo, xi măng hoặc các chất liệu kết dính khác.
Mosaic ra đời khi nào?
Có thể bạn chưa biết, Mosaic đã có tuổi đời trên 4000 năm, xuất hiện tại nhiều nền văn hoá khác nhau từ cổ đại đến đương đại. Loại hình nghệ thuật này được cho là đã ra đời vào khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên qua những bức tranh cổ đại làm từ vỏ sò, ngà voi tại nền văn minh Lưỡng Hà. Những bức tranh Mosaic cổ đại khác cũng được tìm thấy ở khu vực Hy Lạp và La Mã với quy mô đồ sộ, tinh vi hơn về kỹ thuật và phong phú hơn về chất liệu.
Chất liệu Mosaic
Vào thời cổ đại, hầu hết tranh Mosaic được làm từ vật liệu tự nhiên như vỏ sò, đá tự nhiên. Về sau, khi con người sáng chế ra những vật liệu khác như gốm, thuỷ tinh, các nghệ nhân Mosaic cũng tận dụng những vật liệu đó cho tác phẩm của mình. Một số vật liệu quý như đá quý cũng được sử dụng nhưng giới hạn bởi số lượng hiếm và giá thành cao. Đến nay, gốm là vật liệu phổ biến nhất trong tranh Mosaic vì giá thành tốt và đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu.
Các kỹ thuật khảm tranh Mosaic
Opus regulatum
Kỹ thuật khảm hoặc đặt các mảnh ghép trên một mạng lưới được tạo thành từ các đường thẳng kẻ đứng và ngang. Các miếng ghép khá vuông vức và đều nhau. Tuy nhiên kỹ thuật này khá cứng nhắc, đòi hỏi các miếng ghép phải đều đặn, thẳng hàng. Tuy dễ ghép nhưng cũng khiến nghệ nhân gặp khó khăn để tìm các mảnh ghép có màu sắc và hoạ tiết phù hợp.
Opus tessellatum
Đây là kỹ thuật phổ biến trong tranh khảm Hy Lạp và La Mã cổ đại, thường áp dụng cho tranh với mảnh vật liệu >4mm. Các miếng ghép sẽ được đặt thẳng hàng ngang hoặc dọc, chiều còn lại sẽ đặt so le với nhau. Có thể coi kỹ thuật này là biến thể linh hoạt hơn của kỹ thuật Opus regulatum.
Opus vermiculatum
Các miếng ghép sẽ được sắp xếp theo hình dáng của vật khảm (vật thể được tạo hình trên tranh). Bố cục chung sẽ lấy vật khảm làm trung tâm, xung quanh là các đường tròn hoặc bán nguyệt tạo hiệu ứng vầng hào quang.
Opus musivum
Có thể coi đây là phiên bản khác của Opus vermiculatum nhưng các miếng ghép không được xếp quá khít vào nhau mà vẫn có khoảng trống. Các tranh theo kỹ thuật Opus musivum thường tạo cảm giác mộc mạc, thô sơ hơn.
Opus palladianum
Kỹ thuật Opus palladianum cho phép nghệ nhân cắt nhỏ mảnh ghép và sắp xếp theo cách thức bất kỳ, không cần theo nguyên tắc như các kỹ thuật trên.
Opus sectile
Kỹ thuật Opus sectile khá nổi tiếng vào thời Trung cổ. Với kỹ thuật này, các miếng ghép có kích thước khá lớn, đủ để mô phỏng một phần, một bộ phận của vật thể được khảm.
Opus classicum
Đây là kỹ thuật kết hợp giữa Opus vermiculatum với Opus regulatum hoặc Opus tessellatum. Bố cục chia thành hai phần, trung tâm là vật thể chính được khảm theo kỹ thuật kết hợp Opus vermiculatum. Bên ngoài là phần viền bao theo kỹ thuậti Opus regulatum hoặc Opus tessellatum.
Opus circumactum
Đây là kỹ thuật sắp đặt các miếng ghép theo hình bán nguyệt hoặc hình quạt. Qua đó tạo nên hiệu ứng mượt mà, uyển chuyển hơn cho tranh khảm.
Các phương pháp làm Mosaic
Trên đây là các kỹ thuật làm tranh Mosaic phổ biến nhất từ xưa đến nay. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về những phương pháp tạo ra tranh. Thông thường các nghệ nhân sẽ theo các phương thức trực tiếp (trực tiếp đặt miếng ghép lên bề mặt cần khảm), hoặc gián tiếp (đặt miếng ghép lên một bề mặt khác, cố định tạm thời rồi chuyển lên bề mặt chính).
Phương pháp trực tiếp
Với phương pháp này, nghệ nhân sẽ đặt trực tiếp đặt các miếng ghép lên bề mặt cần khảm. Trong quá trình làm họ sẽ gắn dính luôn các miếng ghép, có thể bằng keo hồ đặc biệt hay xi măng với các bề mặt lớn. Phương pháp này thường áp dụng cho các đồ vật hoặc bề mặt có diện tích nhỏ như bình hoa, khoảng tường nhỏ… Phương pháp trực tiếp cho phép nghệ nhân dễ theo dõi tiến trình và hình dung được bức tranh. Tuy nhiên nghệ nhân cũng cần phải nhanh tay để tránh keo hồ, hay xi măng dính miếng ghép trong thời gian ngắn, không thể sửa đổi.
Phương pháp gián tiếp
Phương pháp gián tiếp phù hợp cho các dự án sáng tạo quy mô lớn. Ví dụ như một đoạn tường dài bao quanh một khu vực. Hay một bức tranh lớn trên sàn nhà, trần nhà rộng… Cụ thể các nghệ nhân sẽ tạo hình từng phần của tranh trên một bề mặt tạm thời có sẵn chất kết dính. Sau đó họ đặt từng phần tranh đã hoàn thiện lên bề mặt chính rộng lớn và ghép các phần này với nhau.
Phương pháp gián tiếp đôi
Với phương pháp này, các miếng ghép được đặt úp lên một bề mặt và phủ một lớp kết dính tạm thời ở đằng sau. Sau khi hoàn thiện, phần mặt sau phủ lớp kết dính sẽ được gắn vào bề mặt chính, giống như phương pháp gián tiếp. Đây là phương pháp rất khó làm, yêu cầu độ tỉ mỉ và tính chính xác cao. Tuy nhiên hiệu quả thẩm mỹ sẽ cao hơn so với phương pháp gián tiếp thông thường.
Vì sao nghệ thuật Mosaic được đánh giá cao?
Đến đây chắc phần nào bạn đã hiểu về giá trị của nghệ thuật Mosaic. Hãy cùng điểm lại rõ ràng hơn về những giá trị độc đáo mà nghệ thuật này mang đến. Đây cũng là lý do vì sao dân thiết kế, những người có mắt nhìn thẩm mỹ cao luôn bị thu hút bởi nghệ thuật thủ công này.
Vật liệu độc đáo
Hầu hết các vật liệu tranh khảo đều là vật liệu cứng, từ tự nhiên (đá, gỗ, vỏ sò, vỏ óc…) cho đến nhân tạo (gốm, thủy tinh…). Những vật liệu này đều phải trải qua quá trình chế tác của nghệ nhân, mức độ tỉ mỉ lên đến từng miếng ghép. Không phải loại tranh này cũng được tạo hình từ những vật liệu độc đáo như trên.
Độ khó cao
Để làm tranh Mosaic, bạn cần mất thời gian dài để lựa chọn, chế tác cho từng miếng ghép. Sau đó bạn cũng cần thời gian để lắp ghép chúng vào khung hình, sao cho thật khớp và chuẩn với chi tiết bạn muốn tạo thành. Với tranh vẽ thông thường bạn chỉ cần dùng cọ vẽ và tô màu trong vài tích tắc. Với tranh Mosaic, độ khó và thời gian sẽ mất gấp đôi. Chính yêu cầu khắt khe này đã nâng cao giá trị cho tranh Mosaic.
Tính thẩm mỹ cao
Tranh Mosaic mang đến hiệu quả thẩm mỹ không thể chối cãi. Những bức tranh này đều tạo nên hiệu ứng đặc biệt, vừa cá tính nhưng không kém phần tinh tế. Những hiệu ứng đến từ chính chất liệu cứng đặc biệt và kỹ thuật làm tranh phải tỉ mỉ, tinh tế đến từng chi tiết.
Tính bền vững
Được làm từ các chất liệu cứng cáp như gốm, thủy tinh, đá, vỏ sò tự nhiên, tranh Mosaic có độ bền vượt xa các chất liệu tranh khác. Các tranh Mosaic rất phù hợp với không gian ngoài trời, chống chịu được với thời tiết khắc nghiệt. Thêm một lý do để biến loại tranh này nâng cao giá trị và thêm sức hút với người yêu nghệ thuật.
Tạm kết
Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bạn hiểu hơn về Mosaic. Bạn thấy sao về loại hình nghệ thuật này? Bạn có muốn thử sức hoặc tạo ra các sản phẩm thiết kế lấy cảm hứng từ Mosaic? Đừng ngần ngại chia sẻ ý kiến với Master Media chúng mình nhé. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!