Nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì trong CV Designer?
Bạn đang là một Designer hoặc muốn trở thành một Designer? Chắc hẳn mục tiêu lớn của bạn là tìm được một công việc như ý, cho thu nhập tốt và nhiều cơ hội phát triển. Vậy một trong những điều đầu tiên bạn nên làm là chuẩn bị một chiếc CV chất lượng để gửi đến các nhà tuyển dụng ngay khi có cơ hội. Tham khảo ngay bài viết sau của Master Media để tìm hiểu cách làm một CV Designer chất lượng nhé!
CV Designer nên có những thông tin gì?
CV (Curriculum Vitae) giống như một bản sơ yếu lý lịch giới thiệu về bản thân với nhà tuyển dụng. Qua đó nhà tuyển dụng sẽ có hình dung cơ bản về bạn và phần nào quyết định bạn có phải ứng viên tiềm năng hay không. CV Designer, về cơ bản, cũng cần đầy đủ thông tin giống như CV xin việc khác. Những thông tin cần có bao gồm:
- Thông tin liên lạc
- Mục tiêu nghề nghiệp
- Trình độ học vấn
- Kinh nghiệm làm việc
- Kỹ năng nổi bật
- Hoạt động khác (không bắt buộc)
Cách trình bày các nội dung trong CV Designer
Thông tin liên lạc
Bạn cần ghi đầy đủ các thông tin về số điện thoại, email, LinkedIn (nếu có). Về địa chỉ nơi ở, bạn không bắt buộc ghi chi tiết nhưng cần thêm thông tin về quận, huyện và thành phố hoặc tỉnh mình đang sinh sống. Thông tin tổng quát đó sẽ giúp nhà tuyển dụng phần nào xác định nơi bạn ở và trao đổi thêm nếu cần.
Mục tiêu nghề nghiệp
Cố gắng tóm tắt ngắn gọn mục tiêu của mình trong 1-2 câu. Trên thực tế nội dung này thường được chú ý nhiều hơn cho các vị trí Senior Designer, Leader, Manager. Đối với Fresher hay Junior bạn có thể bỏ qua mục này nếu chưa có mục tiêu thực sự rõ ràng.
Trình độ học vấn
Bạn nên ghi rõ chuyên ngành, tên trường và thời gian học. Đừng quên ghi những chứng chỉ, khóa học liên quan đến chuyên ngành Design mà bạn từng tham gia. Nếu bạn có chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC và công việc đó yêu cầu, hãy ghi vào kèm với thời gian hiệu lực của chứng chỉ.
Kinh nghiệm làm việc
Có thể nói đây là nội dung quan trọng nhất trong CV Designer. Sau đây là một số lưu ý để trình bày kinh nghiệm làm việc một cách ấn tượng nhất:
Thứ tự trình bày các công việc
Hãy trình bay các công việc theo thứ tự thời gian từ gần đến xa nhất. Nhà tuyển dụng sẽ quan tâm về công việc gần nhất của bạn. Những kỹ năng và trình độ của bạn ở thời điểm hiện tại đều xuất phát từ công việc này.
Ghi đầy đủ thông tin
Bạn nên ghi đầy đủ tên vị trí, tên công ty, khoảng thời gian làm việc. Các nhà tuyển dụng sẽ không thích khi ứng viên bỏ sót những thông tin trên. Về phần thời gian bạn nên ghi từ tháng / năm. Ví dụ: Thời gian làm việc: 9/2020 – 9/2023. Bạn có thể thêm 1 số từ khóa giới thiệu về công ty hoặc vị trí nếu đó là điểm nhấn giúp CV bạn nổi bật. Ví dụ: agency, quy mô: 200 nhân viên. Hai từ khóa này giúp nhà tuyển dụng hiểu bạn có kinh nghiệm làm việc ở một agency có quy mô nhân viên lớn. Điều này giúp phần kinh nghiệm của bạn được thêm nổi bật.
Tóm tắt ngắn gọn nội dung công việc
Đừng liệt kê quá nhiều vì điều đó sẽ khiến CV của bạn dài lê thê và không thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Nếu bạn có quá nhiều công việc, hãy phân loại chúng thành các đầu mục khác nhau và kèm theo con số đo lường mức độ trách nhiệm của bạn cho từng đầu mục. Ví dụ, bạn làm designer phụ trách 2 mảng sản phẩm là thiết kế bộ nhận diện và thiết kế sản phẩm quảng cáo. Phần công việc cho 2 mảng sản phẩm là như nhau. Bạn có thể ghi như sau:
- Thiết kế bộ nhận diện (50%)
- Thiết kế quảng cáo (50%)
Số hóa các công việc và thành tích
Một cách hay để trình bày kinh nghiệm ngắn gọn mà vẫn đủ ý và gây ấn tượng. Hãy biến các phần công việc và thành tích của bạn thành những con số. Ví dụ: phụ trách 3 dự án thiết kế/tháng ; thành tích: hoàn thành 1 dự án chi phí 15 triệu trong 1 tuần. Hiệu quả: thu về xx lượt tương tác trên Facebook…
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa
Kỹ năng nổi bật
Đối với CV Designer, nhà tuyển dụng sẽ muốn biết rõ bạn biết sử dụng những phần mềm gì. Hãy ghi rõ về những phần mềm bạn biết sử dụng, đặc biệt là những phần mềm yêu cầu trong bản mô tả công việc.
Với nhiều công ty, nhà tuyển dụng đặc biệt coi trọng nếu Designer có kỹ năng vẽ tay. Hầu hết Designer biết vẽ tay đều có kiến thức chắc về mỹ thuật và hội họa, đặc biệt quan trọng trong công việc thiết kế nói chung. Đừng quên bổ sung kỹ năng này vào CV nếu bạn làm sáng tạo và thiết kế nhé. Nhất định CV của bạn sẽ vô cùng nổi bật.
Hoạt động khác
Với những bạn mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể bổ sung thông tin ở phần hoạt động khác để “flex” khéo với nhà tuyển dụng về tiềm năng của mình. Đừng ngại nêu tên những dự án sáng tạo bạn từng tham gia thiết kế. Vai trò của bạn trong đó là gì? Những điều bạn học được… Nhiều nhà tuyển dụng cũng muốn tạo cơ hội cho các Fresher, và thông tin ở mục này sẽ giúp họ hiểu thêm về tiềm năng của bạn.