Những khái niệm cần biết về màu sắc trong thiết kế
Làm thiết kế không thể không hiểu về màu sắc. Thậm chí bạn không học sâu về thiết kế, những hiểu biết về màu sắc sẽ giúp ích khá nhiều cho cuộc sống hàng ngày. Sau đây là những khái niệm quan trọng và khá thú vị về màu sắc trong thiết kế. Hãy cùng tìm hiểu với Master Media trong bài viết sau nhé!
Màu sắc là gì?
Màu sắc (Color) thực chất là nhận thức về thị giác của mỗi người. Màu sắc được hình thành do ánh sáng được phản xạ lại hoặc do chính vật thể đó phát sáng ra. Mắt chúng ta cảm nhận được phần ánh sáng màu gì từ vật thể, đó chính là “màu sắc” của vật thể ấy.
Nhờ vậy mà ta nhận biết được các vật thể nhất định. Đồng thời ta còn phân biệt được các vật thể với nhau. Ví dụ như ta phân biệt được lon Coca và Pepsi nhờ màu đỏ và màu xanh đặc trưng của chúng vậy.
Hue, Shade, Tint, Tone
Đã bao giờ bạn tò mò vì sao lại có quá nhiều màu sắc. Thậm chí từng màu chỉ khác biệt ở độ đậm nhạt khác nhau? Bí quyết nằm ở những khái niệm về thuộc tính màu sắc, cụ thể:
Hue (Tông màu)
Hue là màu nguyên thủy, màu bản chất không hề pha tạp của một màu sắc bất kỳ. Trên thực tế chỉ có 12 màu nguyên thủy, hay 12 màu Hue. Tùy vào mục đích, người dùng có thể pha chế 12 màu trên với các màu Đen, Trắng, Xám để tạo ra tông đậm nhạt khác nhau.
Shade (Đổ bóng)
Shade là các màu được tạo nên bằng cách pha màu Hue với màu Đen. Những màu mang thuộc tính Shade sẽ tối và đậm hơn, tạo cảm giác sắc nét và cá tính.
Tint (Sắc thái)
Màu Tint được tạo thành từ các màu Hue pha lẫn màu Trắng. Cách pha này tạo ra những màu sắc nhạt, mang cảm giác nhẹ nhàng hơn. Màu Tint còn được biết đến là màu Pastel.
Tone (Tông màu)
Các màu Tone là màu trộn giữa màu Hue và màu Xám. Những màu Tone mang đến cảm giác trung tính, vừa phải, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng.
Đến đây chắc hẳn sẽ có nhiều bạn tự hỏi vì sao lại chỉ pha ba màu Đen, Xám, Trắng với các màu Hue để tạo ra những màu mới. Đen, Xám, Trắng là ba màu sắc trong thiết kế có sự trung tính. Những màu này khi pha với màu Hue không làm biến đổi hoàn toàn bản chất màu. Chúng chỉ tạo ra các màu mới dựa trên mức độ đậm, nhạt, khác nhau. Đây là cách rất thông minh để sáng tạo những màu mới, tận dụng từ những màu sẵn có.
Vòng màu sắc (Color Wheel)
Có rất nhiều tên gọi khác nhau cho Color Wheel. Những cái tên phổ biến bao gồm Bánh xe màu sắc, Vòng thuần sắc, Vòng tuần hoàn màu sắc. Color Wheel được tạo ra vào năm 1666 bởi nhà bác học Isaac Newton. Đây là một công cụ giúp người dùng phối màu, tạo ra những màu sắc mới từ các màu sẵn có. Đồng thời Color Wheel cũng giúp người xem quan sát và phân loại các màu sắc xuất hiện.
Cụ thể, bạn có thể nắm được các thông tin sau khi sử dụng Color Wheel:
Cách phối màu
Những màu trên Color Wheel thường được tạo nên bởi các màu bậc 1, bậc 2 và bậc 3:
- Màu bậc 1: Gồm 3 màu cơ bản Đỏ, Vàng, Xanh dương.
- Màu bậc 2: Là 3 màu được tạo thành từ 2 màu bậc 1: Cam, Lục, Tím.
- Màu bậc 3: Là các màu được tạo thành từ màu bậc 1 và màu bậc 2.
Theo dõi tính chất màu
Ngoài ra, vòng thuần sắc được phân loại theo tính chất:
🔸 Màu nóng: Các màu gần với màu Cam.
🔹 Màu lạnh: Các màu gần với màu Lam.
Các hệ màu sắc trong thiết kế
Như đã đề cập ở trên, chúng ta có thể tạo ra những màu mới bằng cách pha màu xám, trắng, đen để thay đổi độ đậm nhạt. Một cách khác để tạo ra những màu hoàn toàn mới là pha trộn các màu sắc, hay những màu Hue với nhau. Từ nhu cầu này chúng ta có khái niệm về hệ màu sắc trong thiết kế. Dưới đây là 3 hệ màu phổ biến nhất hiện nay.
Hệ màu RGB
RGB viết tắt cho 3 màu sắc: Red (Đỏ) – Green (Xanh lá) – Blue (Xanh dương). Đây cũng là ba màu cơ bản được lựa chọn để pha trộn và từ đó tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Hệ màu RGB cũng đại diện cho màu sắc hiển thị trên những vật thể có thể tự phát ra ánh sáng. Tiêu biểu là những thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại… Hệ màu RGB rất đa dạng, sinh động, thích hợp cho các sản phẩm thiết kế hiển thị trên thiết bị công nghệ.
Hệ màu CMYK
CMYK viết tắt cho các từ: Cyan (Xanh) – Magenta (Hồng) – Yellow (Vàng) – Black (Đen). Chữ K được chọn cho màu Đen vì chữ B trong Black bị trùng với màu Xanh dương (Blue). Ngoài ra chữ K còn đại diện cho từ Key mang nghĩa quan trọng, then chốt.
Hệ màu CMYK là hệ màu trừ, đại diện cho các vật thể không tự phát sáng. Sở dĩ chúng ta nhìn thấy màu sắc của những vật thể này là do ánh sáng phản xạ lên chúng. Hệ màu CMYK thường trầm hơn so với RGB, phù hợp cho các sản phẩm in ấn.
Các nhà thiết kế rất cần tìm hiểu về hệ màu CMYK cũng như RGB bởi hai hệ màu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm của họ. Khi thao tác trên máy, designer nên dùng hệ màu RGB để hiển thị màu đúng và đẹp nhất. Tuy nhiên khi cần in sản phẩm, họ cần chú ý chuyển đổi hệ màu của sản phẩm sang CMYK. Từ đó sản phẩm in ra mới đúng màu, đúng với ý tưởng sáng tạo của họ.
Hệ màu RYB
Hệ màu RYB là viết tắt của ba màu: Red (Đỏ) – Yellow (Vàng) – Blue (Xanh dương). Đây là ba màu sắc cơ bản, được chọn để pha trộn nhằm tạo ra các màu sắc khác. Hệ màu RYB được dùng phổ biến trong mỹ thuật và hội họa nói chung.
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa
Lời kết
Trên đây là những khái niệm quan trọng về màu sắc trong thiết kế. Bất cứ ai làm về thiết kế đều cần nắm vững và vận dụng tốt những khái niệm cơ bản trên. Hy vọng bài viết của Master Media đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!