Tìm hiểu công việc Designer dưới góc nhìn nhà tuyển dụng

Tìm hiểu công việc Designer dưới góc nhìn nhà tuyển dụng

Đã bao giờ bạn tự hỏi những nhà tuyển dụng – những chuyên viên nhân sự và quản lý cấp cao của một công ty sẽ có góc nhìn về vị trí Designer như thế nào không? Thực tế trong một hệ thống tổ chức nhân sự, mỗi vị trí đều được mô tả qua các tài liệu cụ thể. Qua đó phòng nhân sự và quản lý cấp cao sẽ có hình dung và đánh giá về nội dung công việc, chất lượng làm việc, tiềm năng gắn bó và phát triển của vị trí đó. Vậy hôm nay chúng ta hãy thử tìm hiểu các nhà tuyển dụng, hay HR và quản lý của một tổ chức sẽ nhìn nhận về công việc Designer như thế nào nhé!

Mô tả công việc Designer

Khi tiếp nhận tuyển bất cứ vị trí nào trong công ty, điều đầu tiên nhà tuyển dụng làm là sẽ tìm hiểu về vị trí đó. Đa số nhà tuyển dụng sẽ tìm hiểu qua Mô tả công việc (tên tiếng Anh: Job Description hay JD). Đây là bản tóm tắt ngắn gọn nhưng đủ thông tin để giúp họ hiểu vị trí này sẽ làm gì, cần có yêu cầu gì, và sẽ nhận được những chế độ gì từ công ty. Một bản mô tả công việc chất lượng sẽ bao gồm các nội dung với các tiêu chí sau:

  • Trách nhiệm / Nội dung công việc: nên giới hạn trong 5 phần việc chính. Mỗi phần việc có thể chia thành các việc nhỏ hơn. Những phần công việc này nên trình bày theo thứ tự quan trọng nhất từ trên xuống dưới.
  • Yêu cầu: nên giới hạn trong 5-10 yêu cầu, rõ ràng và cụ thể thông tin. Ví dụ: yêu cầu thành thạo các phần mềm thiết kế: Adobe Illustrator, Photoshop.
  • Quyền lợi: nên ghi rõ dải lương, chế độ cụ thể cho nhân viên.

Trong điều kiện lý tưởng, bản Mô tả công việc sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin quan trọng cho ứng viên tìm việc Designer. Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng thường phát sinh nhiều tình huống. Đa số đến từ yêu cầu từ phía quản lý cấp cao không cho phép hoặc chưa có đủ thông tin cần thiết để Nhân sự chia sẻ với ứng viên. Để có được bản Mô tả này, chuyên viên Nhân sự hay Tuyển dụng cần mất khá nhiều thời gian trao đổi và thống nhất với quản lý yêu cầu tuyển. Designer cũng là một trong rất nhiều vị trí họ phải tuyển cho công ty. Bởi vậy khó tránh việc họ chưa hiểu rõ mô tả công việc, cung cấp thiếu hoặc sai thông tin cho ứng viên.

Xây dựng đánh giá công việc Designer

Với bộ phận Nhân sự, khi nhận yêu cầu tuyển một vị trí mới, họ cũng sẽ cân nhắc về quy trình đánh giá về vị trí này. Mục đích chính của quy trình này là giúp quản lý và công ty có nhìn nhận chính xác nhất về đóng góp của vị trí này cho công ty. Vị trí Designer sẽ mang đến những giá trị gì? Những giá trị này có thể đo lường qua các tiêu chí, chỉ số đánh giá nào? Đây sẽ là câu hỏi mà các chuyên viên Nhân sự và cả quản lý cấp cao của vị trí Designer cần trả lời.

Thông thường, vị trí Designer sẽ được đánh giá qua những tiêu chí sau đây:

  • Đánh giá về chất lượng chuyên môn
  • Đánh giá về thái độ làm việc
  • Đánh giá về kết quả làm việc qua dự án / tháng / quý / năm

Ví dụ: KPI đo lường hiệu quả sản phẩm của thiết kế cho 1 dự án

  • Số lượng sản phẩm đã hoàn thành theo dự án / tháng / quý / năm
  • Tỷ lệ nộp sản phẩm đúng deadline
  • Lượt view, tương tác vào hình ảnh, video hiển thị
  • Tỷ lệ đạt kiểm duyệt sản phẩm ngay từ lần đầu tiên…

Đánh giá tiềm năng phát triển vị trí Designer

Đối với công ty nói chung và Bộ phận Nhân sự nói riêng, thành công lớn nhất khi tuyển một Nhân sự là họ có thể gắn bó và phát triển lâu dài. Vị trí Designer cũng không phải ngoại lệ. Nếu tuyển một Designer mới, phía công ty cũng sẽ nhìn vào tiềm năng phát triển cho vị trí này. Sau một vài năm liệu vị trí này có thể thăng tiến đến những cấp bậc nào? Xây dựng một lộ trình thăng tiến rõ ràng sẽ giúp công ty thêm yếu tố cạnh tranh trên thị trường lao động, thu hút được những nhân tài về ngành thiết kế.

Nhìn chung, lộ trình thăng tiến cơ bản (và lý tưởng nhất) của vị trí Designer tại các công ty chuyên về sáng tạo sẽ như sau:

Thực tập sinh Designer

Đây là các vị trí mở đầu cho những bạn chưa có kinh nghiệm nhưng sở hữu nền tảng giáo dục, tố chất, hay đơn giản là mong muốn theo ngành Design. Các vị trí Thực tập sinh thường không yêu cầu kinh nghiệm nhưng chú ý về nền tảng kiến thức, kỹ năng mềm, đặc biệt là thái độ học hỏi và nhiệt tình.

Mức lương phổ biến: 2 – 4 triệu đồng/tháng.

Junior Designer

Vị trí Junior Designer dành cho các bạn có khoảng 0.5 – 2 năm kinh nghiệm làm Design. Giai đoạn này các bạn đã có một ít kinh nghiệm, có thể hoàn thành những nghiệp vụ cơ bản thuần túy về chuyên môn. Vị trí này sẽ cho phép Designer chuyên tâm trau dồi về chuyên môn, học dần những kỹ năng mềm để thăng tiến cho các vị trí về sau.

Mức lương phổ biến: 8 – 14 triệu đồng/tháng.

Senior Designer

Senior Designer là vị trí chuyên viên cấp cao về Design, thường cho các bạn có hơn 3 năm kinh nghiệm. Ở cấp độ này các bạn cần có chuyên môn chắc, đảm nhận những phần việc khó, có thể hướng dẫn các Designer cấp dưới, thậm chí cần có kỹ năng quản lý. Vị trí này có yêu cầu cao nhưng bù lại mức lương và chế độ sẽ khác biệt so với các vị trí cấp dưới.

Mức lương phổ biến: 15 – 25 triệu đồng/tháng.

Design Lead

Những Designer làm lâu năm có kỹ năng làm việc với con người tốt, cho thấy tiềm năng lãnh đạo có thể thăng tiến lên vị trí Trưởng nhóm Thiết kế, thậm chí Trưởng Bộ phận Sáng tạo (Bao gồm Content, Account…). Đây là vị trí quản lý với phần công việc điều phối, quản lý nhóm chiếm phần trăm lớn. Ngoài ra vị trí này cũng cần định hướng và tư vấn về chuyên môn cho các thành viên.

Mức lương phổ biến: 25 – 30 triệu đồng/tháng.

Creative Director

Creative Director, hay Giám đốc Sáng tạo là vị trí cấp cao mà rất nhiều người làm sáng tạo hướng tới, không riêng gì dân Designer. Vị trí này sẽ phụ trách bộ phận Sáng tạo cho cả một công ty, là người định hướng phong cách cho những dự án lớn với kinh phí khổng lồ. Tuy nhiên không phải công ty nào cũng có vị trí này. Thường những công ty, agency chuyên về sáng tạo trong báo chí, truyền thông, thời trang, điện ảnh mới có vị trí này.

Mức lương phổ biến: 30 – 40 triệu đồng/tháng.

Xem thêm: Học thiết kế đồ họa

Tạm kết

Trên đây là góc nhìn của các nhà tuyển dụng về vị trí Designer. Một góc nhìn phức tạp nhưng có hệ thống, đảm bảo một quy trình trải nghiệm tốt nhất có thể cho các ứng viên về Thiết kế. Hiểu được góc nhìn từ nhà tuyển dụng sẽ giúp ích ít nhiều cho Designer khi tìm một vị trí phù hợp, cũng như một cơ hội thăng tiến tại nơi bạn làm việc. Hy vọng bài viết trên đã mang đến những thông tin có ích cho bạn!

Xem thêm

Đăng ký tư vấn khóa học ngay để nhận 7.5 triệu!

Nếu bạn cần liên hệ ngay với Master Media, vui lòng gọi qua số Hotline:

Vui lòng bật JavaScript trong trình duyệt của bạn để hoàn thành Form này.